Liên quan đến xuất khẩu gạo, tờ Thanh niên có bài: Xuất khẩu gạo lượng tăng nhưng giá giảm. Bài báo dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu (đến ngày 15.6) đạt 3,1 triệu tấn, trị giá 1,5 tỉ USD, tăng gần 12,3% về lượng, tuy nhiên chỉ tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo bài báo, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước |
Tờ Dân Việt có bài, “Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam”, theo bài báo, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Ngoài Philippines thì nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, châu Phi và Cuba cũng góp phần mạng lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan.
Bài báo cho biết, một động lực khác là xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2-6,4 triệu tấn. Quý III/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh.
Từ biến động mạnh của nhu cầu gạo trên toàn cầu, Bộ Công Thương đưa ra nhận định: Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021. Xuất khẩu gạo có thể lạc quan hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, nguồn gạo dự trữ của Philippines cũng đang ở mức thấp, cần nhập thêm cũng là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam, dù thị trường này đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ Ấn Độ.
Bên cạnh gạo, vấn đề xuất khẩu nông sản khác cũng được nhiều tờ báo quan tâm. Trong đó Thông tấn xã có bài: Giảm áp lực xuất khẩu khi nông sản đến vụ.
Theo bài báo, năm 2022 các vùng trồng vải thiều Việt Nam dự báo được mùa, sản lượng ước đạt 320.000 tấn. Sản lượng lớn nhưng thời gian thu hoạch vài mang tính mùa vụ nên việc các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết nhằm mở rộng thị phần, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng kênh phân phối... chính là lối đi mới để mở rộng đầu ra cho loại nông sản.
Ngoài ra, để chủ động với kịch bản xấu nhất, không ít hợp tác xã còn xây dựng dự phòng các lò sấy để sấy vải thành sản phẩm khô, đầu tư kho lạnh để nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế sự tác động của thời tiết đến quả vải, đồng thời kéo dài thời gian xuất ra thị trường.
Trong khi đó, tờ Tin tức có bài: “Bài toán” xuất khẩu nông sản Việt - hướng tới hoàn thiện chuỗi sản xuất”.
Theo bài báo,để tận dụng cơ hội khi Việt Nam hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, nông sản Việt cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất cùng với việc nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.