Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 11/6: Cần phát triển đội tàu biển quốc tế
Công Thương và công luận 11/06/2022 11:27
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 9/6: Nên chấp nhận quy luật thị trường với giá xăng dầu Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/6: Áp lực lạm phát thế giới đè nặng kinh tế Việt Nam |
Logistics vẫn là chủ đề nóng khi nói đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. VTV News có bài: “Cấp thiết hình thành đội tàu biển quốc tế Việt Nam”. Theo đó, với gần 300 bến cảng biển nhưng hơn 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận. Thiếu chủ động đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao, đang đặt vấn đề cấp thiết về phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam.
Trong khi đó, báo Thanh niên có bài “Vì sao nhiều nông sản xuất khẩu giảm giá?”. Theo bài báo, nhiều nước ngưng xuất khẩu lương thực - thực phẩm những tưởng mở ra cơ hội cho nông sản Việt, thế nhưng thực tế, một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như gạo, cà phê, tiêu... của chúng ta lại đang giảm giá. Đáng nói, tại thị trường nội địa, nông sản trong nước cũng đang chịu áp lực rất lớn trước một lượng hàng hóa lớn từ Campuchia đổ vào như lúa gạo, hồ tiêu, cao su…
Liên quan đến thông tin Hoa Kỳ miễn thuế nhập khẩu đối với pin năng lượng mặt trời của Việt Nam, báo Đầu tư có bài: “Bộ Công thương lưu ý doanh nghiệp về xuất khẩu pin năng lượng mặt trời sang Mỹ”. Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời tiếp tục tiếp tục rà soát hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh sang Mỹ; nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, vấn đề lạm phát đang trở thành chủ đề được báo chí và dư luận quan tâm. Báo Người lao động có bài “Có quá lo ngại về lạm phát?”. Theo TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới quyết định lạm phát của phương Tây. Mỹ đang vào giai đoạn đỉnh của lạm phát và sẽ giảm xuống trong thời gian tới. Còn Việt Nam là câu chuyện khác, chỉ có một phần liên quan đến "tài chính học" và "kinh tế học". "Trong điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta hiện nay, nói nhiều về lạm phát là chưa chính xác. Nói nhiều có khi tạo hiệu ứng không tốt. Hay nói phát triển mạnh đầu tư công thì lạm phát tăng, có thể đúng nhưng nếu triển khai đầu tư công hiệu quả sẽ kiềm chế được lạm phát. Ngoài ra, để ổn định kinh tế vĩ mô hiện tại chúng ta nên giữ nguyên lãi suất, nếu phải điều chỉnh thì chỉ tăng giảm trong khoảng 0,5%-0,75% từ nay đến cuối năm là ổn. Vì lãi suất thực hiện nay rất cao rồi. Năm nay lạm phát của nước ta xoay quanh 4% là chấp nhận được" - ông Phước nêu quan điểm.