Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/6: Áp lực lạm phát thế giới đè nặng kinh tế Việt Nam
Xuất nhập khẩu tiếp tục là chủ đề được báo chí quan tâm trong ngày 10/6. Tạp chí VnEconomy đưa bài “Áp lực chi phí tăng cao, xuất khẩu cà phê vẫn có thể lập kỷ lục mới với 4 tỷ USD”. Theo đó, với kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm đã vượt 2 tỷ USD, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng ngành cà phê đang có cơ hội vượt qua con số kỷ lục 3,7 tỷ USD của năm 2012, để lần đầu tiên cán mốc 4 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong nước, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng hạn chế.
Trong khi đó, đối với sản phẩm cá tra, báo Thanh niên có bài: “‘Sốt’ giá thực phẩm toàn cầu giúp xuất khẩu cá tra tăng mạnh”. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lạm phát giá thực phẩm và thủy sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đã khởi sắc trở lại sau hơn ba năm ảm đạm. Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt gần 77 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hà Lan là thị trường có sức hút mạnh nhất, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU.
Trong lĩnh vực công nghiệp, báo Tiền phong có bài: “Đầu tư Khu công nghiệp - Khu chế xuất chưa hấp dẫn các 'đại gia' châu Âu”. Báo này trích dẫn lời ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng khu công nghiệp Việt Nam vẫn chưa thu hút được những “đại gia” lớn trên thế giới. Theo đó, đến nay, đầu tư vào các khu công nghiệp - khu kinh tế Việt Nam chủ yếu là từ các nước và vùng lãnh thổ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ. Mặt khác, các khu công nghiệp lớn của Việt Nam còn quá ít, nhất là các khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, VTV News có bài: “Lạm phát toàn cầu gây sức ép lên Việt Nam”. Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước. Dù đây chưa phải mức tăng cao, tuy nhiên trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng nóng trên toàn cầu, việc kìm giữ đà tăng này là một thách thức. 5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt qua mốc 2,25%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều.