Bài 1: Tiết kiệm năng lượng – trụ cột phát triển bền vững Công nghiệp Đà Nẵng hướng tới kinh tế tuần hoàn. Bài 2: Sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo |
Phát huy vai trò người lao động trong kinh tế tuần hoàn
Tại thành phố Đà Nẵng, người lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp là chủ thể thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.
Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng) đã xây dựng Quỹ hỗ trợ công nhân, người lao động mà nguồn vốn của quỹ có được từ chính hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa của người lao động.
Công nhân công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam bỏ chai nước đã qua sử dụng vào các thùng thu gom rác |
Ông Đỗ Danh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, đơn vị có hơn 3.500 người lao động, tương ứng với đó, sẽ có hàng trăm, hàng nghìn vỏ lon thải bỏ ra môi trường sau khi người lao động sử dụng nước uống đóng chai (chai nhựa) trong quá trình làm việc. Từ thực tế đó, đơn vị đã có ý tưởng thu gom lại các chai nhựa, vận động người lao động không chỉ có ý thức phân loại rác tại công ty mà còn phân loại rác tại gia đình. “Chúng tôi đã đặt các điểm thu gom chai lọ nhựa ở nhiều vị trí trong công ty. Bố trí người gom và bán. Số tiền bán được sẽ dùng để chăm sóc, chia sẻ với các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn”, ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, ý nghĩa lớn nhất của hành động này chính là hình thành cho người lao động ý thức, văn hóa, lối sống xanh hơn, bảo vệ môi trường. Ngoài hoạt động thu gom hàng ngày, mỗi tháng, công ty sẽ phát động một ngày chủ nhật xanh để người lao động thu gom rác thải nhựa đưa lên công ty để tập hợp, bán và gây quỹ.
Chị Nguyễn Thị Hằng Ny, (SN 1990, quê Quế Sơn, Quảng Nam), nhân viên bộ phận chế tạo công ty cho biết, thay vì mỗi lần sử dụng chai nước nhựa xong bỏ vào thùng rác để thải bỏ thì khi phân loại rác, thu gom rác thải nhựa sẽ góp một phần nhỏ vào quỹ cũng như bảo vệ môi trường. “Mong công nhân trong công ty cũng như trong thành phố sẽ có ý thức tốt hơn trong việc sản xuất sạch hơn, lối sống xanh hơn để tương lai con em mình không phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường”, chị Ny nói.
Còn tại nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng) đã hình thành một vườn rau xanh ngay trong khuôn viên nhà máy. Vườn rau cung cấp trung bình 20 kg rau củ quả các loại phục vụ bữa ăn cho 150 cán bộ, nhân viên công ty.
Ông Đậu Minh Công – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, toàn bộ quy trình chăm sóc vườn rau đều là phương pháp hữu cơ. Bùn thải, nước thải sau quá trình sản xuất sẽ được xử lý đạt chất lượng đảm bảo tưới tiêu và an toàn. Đây cũng là một trong những hoạt động của công ty trong thúc đẩy sản xuất kinh tế tuần hoàn.
Vườn rau hữu cơ của nhà máy bia Heineken Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng |
“Tiết kiệm năng lượng không phải vấn đề của một nhân viên hay một lãnh đạo, mà là của cả công ty. Mỗi cán bộ nhân viên tại vị trí mình công tác phải đưa ra được các giải pháp tiết kiệm năng lượng như thay đổi quạt công nghiệp bằng quạt hiệu suất thấp; thay đổi các bóng điện hiệu suất cao thành bóng đèn tiết kiệm điện”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng chia sẻ.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam: Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nền kinh tế tuyến tính làm gia tăng áp lực lên môi trường. Do đó, phải thay đổi sản xuất xanh hơn, sạch hơn, đó là kinh tế tuần hoàn. |
Thành phố Đà Nẵng sẽ có khu công nghiệp sinh thái, hướng tới kinh tuần hoàn
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh, ở Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu thô, bán, sử dụng (tiêu dùng) và sau đó hầu hết được thải bỏ như phế thải. Đồng thời, nhiều các sản phẩm tiêu dùng không được sử dụng hết vòng đời của chúng và một số được mua chỉ để sử dụng một lần, gây áp lực lên môi trường.
Đánh giá hiện trạng và phân tích các cơ hội, thách thức để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng cho thấy việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho thành phố là cần thiết. Từ đó, Đà Nẵng triển khai Nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.
Ông Huỳnh Huy Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện có 06 khu công nghiệp (1.066,52 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 90%) đã đi vào hoạt động; Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; Khu công nghệ cao Đà Nẵng (1.128,4 ha) và đang đầu tư Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng (58,53 ha); và 03 khu công nghiệp mới đang kêu gọi đầu tư. Trong giai đoạn 2015-2019, khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Trong giai đoạn 2015 - 2019, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp; các chuyên gia của Dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 nghìn tỷ đồng/ năm; giảm hơn 50.000 m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2700 tấn chất thải rắn/năm.
Giai đoạn 2015 - 2019, Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái và đã đạt những kết quả tích cực |
Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 – 3 khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 – 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 – 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn;…. Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045 thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, theo quy hoạch cùng Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị Việt Nam về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thành phố Đà Nẵng hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế sinh thái. “Thành phố Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển và cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu “Net Zero” mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26", bà Caitlin Wiesen nói.
7 lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng: - Quản lý chất thải rắn (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và rác thải nhựa) - Nguyên liệu. - Năng lượng. - Khu công nghiệp sinh thái - Tuần hoàn lương thực thực phẩm - Tuần hoàn nước và (7) công dân tiêu dùng xanh. |