Cần thiết phải kiểm toán công tác quản lý, điều hành xe buýt Còn nhiều bất cập trong kiểm toán đất đai |
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, bắt nhịp với đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Công khai kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thời báo Ngân hàng |
Cụ thể, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó, về y tế, ngân sách nhà nước bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng... Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, ngân sách nhà nước cấp 5 nghìn tỷ đồng (cấp bù lãi suất và phí quản lý 2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng).
Đầu tư tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng để xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm. Ngân sách nhà nước còn hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển...
Kết quả kiểm toán cho thấy, sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền và trách nhiệm được phân công tại Chương trình; công tác lập, phân bổ vốn đầu tư, việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển cơ bản phù hợp với cơ chế, chính sách đầu tư phát triển trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, dù việc giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phải đảm bảo hoàn thành trong năm 2022, 2023, nhưng kết quả thực hiện đến thời điểm kiểm toán (30/6/2023) - sau 3/4 thời gian thực hiện Chương trình - chỉ còn khoảng 6 tháng để triển khai thực hiện, nhưng đối với các dự án thuộc chính sách đầu tư phát triển mới chỉ thực hiện giải ngân được 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với tổng số vốn đã giao.
Bên cạnh đó, còn 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm; 59 dự án có số giải ngân đến thời điểm kiểm toán là 0%; chính sách cấp bù lãi suất 5.000 tỷ đồng giải ngân đạt 22,9%, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) 40.000 tỷ đồng giải ngân đạt 0,7%.
Do vậy, áp lực giải ngân số vốn còn lại của chương trình trong tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn và việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khó khả thi.