Kiểm toán nhà nước Việt Nam sẽ tham dự Đại hội ASEANSAI lần thứ 7 Kiểm toán nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia chia sẻ kiến thức về kiểm toán điều tra |
Nhiều bất cập
Tốc độ đô thị hóa cùng sự gia tăng của phương tiện cá nhân khiến các thành phố lớn trong đó có Hà Nội đối mặt với thách thức lớn về giao thông. Do vậy, kiểm toán giao thông công cộng nói chung và vận tải hành khách công cộng nói riêng là yêu cầu tất yếu được đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Cần thiết phải kiểm toán công tác quản lý, điều hành xe buýt. Ảnh: Ngọc Thành |
Để chỉ ra những bất cập, hạn chế trong triển khai xây dựng dự án giao thông đô thị, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện 2 cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến hợp phần xe buýt nhanh (BRT) tại TP. Hà Nội.
Điển hình, cuối năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán nhiều hoạt động để đánh giá tính kinh kế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án, hoạt động được kiểm toán, trong đó có dự án xe bus nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Tại báo cáo, Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc xác định phương án tuyến BRT ban đầu chưa phù hợp dẫn đến mất nhiều thời gian nghiên cứu điều chỉnh, chưa phân tích đánh giá đầy đủ thực trạng giao thông trên tuyến khi điều chỉnh tuyến và chưa dự báo lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến trong tương lai khi đánh giá tính khả thi đối với việc đưa BRT vào hoạt động.
Thực tế, lưu lượng giao thông trên tuyến đường xe bus BRT rất lớn, có nhiều điểm giao cắt, thường xuyên xảy ra ùn tắc nên khó bố trí làn đường riêng cho BRT cũng như giải pháp giảm các xung đột tại các nút giao cắt, quay đầu xe...
Cũng theo báo cáo, quá trình thực hiện các hạng mục, gói thầu khi triển khai dự án xe bus nhanh BRT còn thiếu đồng bộ, không nhất quán và chậm tiến độ khiến thời gian thực hiện bị kéo dài…
Với các yếu tố trên dẫn đến việc hệ thống BRT vận hành vào cuối năm 2016 đã không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT và khó đạt được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.
Tuy còn nhiều bất cập nhưng đến nay chưa có cuộc kiểm toán nào đánh giá toàn diện về công tác quản lý điều hành phương tiện công cộng nói chung và với xe buýt nói riêng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Dự kiến 9 nội dung cần kiểm toán
Hiện nay, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của xe buýt tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 10%. Trong khi tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng các phương tiện công ở các thành phố tương tự trên thế giới >25%. Hơn nữa, xe buýt mới phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người lao động có thu nhập trung bình và thấp mà chưa thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân...
Theo ông Bùi Thanh Lâm - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực I: Kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động). Định hướng phù hợp là thực hiện cả 3 loại hình kiểm toán này đối với lĩnh vực giao thông công cộng.
Từ thực tiễn triển khai, ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng Kiểm toán hoạt động, Kiểm toán nhà nước khu vực I - chia sẻ, cần mở rộng hơn, hướng tới kiểm toán công tác quản lý, điều hành phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt với 9 nội dung kiểm toán.
Cụ thể, đánh giá tính hợp lý của quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tính đầy đủ của công tác tham mưu ban hành các văn bản pháp quy; công tác quản lý hạ tầng xe buýt, bao gồm cả quản lý, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Cùng với đó là kiểm toán đánh giá công tác đầu tư, đổi mới phương tiện; công tác kiểm tra, giám sát; ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành; công tác đấu thầu; chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Chia sẻ của các chuyên gia, có rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nên khi lựa chọn chủ đề kiểm toán cần có trọng tâm, trọng điểm. Việc kiểm toán về quản lý, điều hành phương tiện công cộng nói chung và xe buýt nói riêng khi được thực hiện theo cả 3 loại hình kiểm toán sẽ giúp đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Do đó, cùng với việc nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên về lĩnh vực kiểm toán vận tải hành khách công cộng, Kiểm toán nhà nước cần chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán từ khâu lập kế hoạch đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán, đảm bảo tuân thủ quy trình, chuẩn mực của Kiểm toán nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ công tác kiểm toán, ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng Kiểm toán hoạt động, Kiểm toán nhà nước khu vực I - đề xuất: Các kiểm toán viên phải có những công cụ hỗ trợ về công nghệ thông tin để tiếp cận được đối tượng kiểm toán và thực hiện kiểm toán một cách hiệu quả, cũng như phải được đào tạo để sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ. |