Tăng trưởng tín dụng thấp thì không thể có tăng trưởng GDP cao
TS. Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cũng như ý kiến phản ánh của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 cho thấy nền kinh tế nước ta đang hết sức khó khăn. Các con số về tăng trưởng GDP về phát triển doanh nghiệp đều ở mức rất thấp trong lịch sử.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Trong bối cảnh đó, điều khiến chúng ta quan ngại nhất là nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian qua chỉ có tác động rất hạn chế. Lãi suất mặc dù đã giảm sâu về mức của thời đại dịch - năm 2020, 2021, nhưng vẫn không thể kích hoạt được đầu tư của khu vực tư nhân.
"Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế không cao, tăng trưởng tín dụng rất thấp. Tín dụng là máu của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng thấp thì không thể có tăng trưởng GDP cao" - TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Theo đại biểu, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ thì gần như không giải ngân được. Đầu tư công một trong những giải pháp kích cầu chủ lực trong suy giảm kinh tế, cũng chỉ được giải ngân với tốc độ rất chậm và gặp nhiều trở ngại, mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực.
Mặc dù vậy, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế của chúng ta vẫn có nhiều điểm sáng, mà việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong một thế giới đầy bất ổn là một thành quả đặc biệt quan trọng. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, bất chấp các sức ép từ bên ngoài đang gia tăng.
Ngoài ra, khu vực công nghiệp cũng dường như đã đảo ngược được xu hướng suy giảm hồi đầu năm và đang từng bước phục hồi. Tốc độ sụt giảm của xuất khẩu cũng đang chậm dần. Đầu tư nước ngoài đang có những tín hiệu tích cực.
"Các xu hướng này cho phép chúng ta hy vọng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức mục tiêu mà chính phủ đề ra, tuy nhiên chúng ta còn rất nhiều việc phải làm" - TS. Vũ Tiến Lộc nêu.
"Thể chế tốt có thể khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền"
TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, để phục hồi và phát triển nền kinh tế thì tiền bạc là quan trọng. Nhưng điều còn quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. Thể chế tốt có thể khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì “có tiền cũng không tiêu được”.
Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh những cải cách thể chế, để đơn giản hoá các thủ tục hành chính, mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đang trở nên nặng nề hơn trong mấy năm qua, khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện.
Đồng thời phải gỡ bỏ cho được tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ công chức cũng như doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi của các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực giải ngân các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế.
Chúng ta cũng cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm và không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Để có tính pháp lý cao cần phải luật hoá các quy định về vấn đề này.
Trong thời kỳ khủng hoảng thì giải pháp kinh điển, trực diện và có thể phát huy hiệu quả nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế. Các quyết định bơm tiền đã được Quốc hội ban hành nhưng việc triển khai thực hiện đang gặp rất nhiều trở ngại.
Do đó, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay, mà chúng ta cần quan tâm giải quyết chính là tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. "Chừng nào vẫn còn tình trạng này, thì chừng đó chúng ta khó có thể hy vọng vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian tới" - ông Lộc nói.