Bộ Y tế lên tiếng về việc bệnh viện thiếu thuốc chống thải ghép Bài 1: Bệnh viện sợ đấu thầu, doanh nghiệp nói không bán được Bài 2: Bộ Y tế phân trần và câu chuyện hành lang pháp lý |
Trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc diễn ra khá dài tại nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước… đây được coi là những giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng này.
Chậm thuốc - phần lớn do đấu thầu
Thống kê từ các bệnh viện, địa phương cho thấy, có 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Các thuốc thiếu tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
“Cởi trói” đấu thầu y tế được nhận định giải quyết vấn đề thiếu thuốc tai các bệnh viện |
Bên cạnh đó, 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...
Bộ Y tế xác định, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát…, ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan là do việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…
Việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.
Đặc biệt tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Có những doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn...
Tạo thuận lợi cho đấu thầu
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ được Bộ Y tế xây dựng sẽ làm rõ các quy định liên quan, đặc biệt về mua sắm, đấu thầu; quy định thời điểm mua bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thay vì quy định tại thời điểm mua bán như trước đây.
Theo đó, nhằm bảo đảm nguồn cung thuốc, trang thiết bị y tế, sẽ làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào. Rà soát, công bố giá thuốc kê khai. Trong trường hợp chưa có thông tin về giá bán, các yếu tố chi phí cấu thành, Bộ Y tế sẽ sử dụng thông tin giá thuốc kê khai, kê khai lại đã công bố của các thuốc tương tự trên thị trường để làm căn cứ.
Giới chuyên gia đánh giá, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, giúp cơ sở y tế, địa phương có căn cứ và thuận lợi hơn trong việc lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế.
Tiếp sau khi Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế… Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) cũng đã công bố kết quả đấu thầu tập trung quốc gia 3 gói thầu thuốc.
Các thuốc tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia được Bộ Y tế đánh giá là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, chủ yếu là thuốc điều trị nhiễm khuẩn - kháng sinh (44 thuốc), thuốc tiêu hóa (19 thuốc), thuốc tim mạch (16 thuốc), điều trị ung thư (11 thuốc), điều trị tiểu đường (7 thuốc) và 9 thuốc thuộc các nhóm điều trị khác.
Nhà thầu tham dự gói đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng là những nhà thầu lớn, có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có khả năng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia – cho biết: Kết quả đấu thầu lần này góp phần giúp giảm tình trạng thiếu thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với những thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường...
Nhận định của cơ quan chức năng, mô hình mua sắm tập trung tiếp tục được khẳng định vai trò cần thiết, nhất là trong lĩnh vực y tế, bởi việc mua sắm với số lượng lớn có nhiều lợi ích hơn so với riêng lẻ như tính minh bạch; vừa bảo đảm chất lượng vừa có giá cạnh tranh, thống nhất một mặt bằng giá trên cả nước; có thể điều phối kịp thời giữa các cơ sở y tế khi có biến động nhu cầu; giúp doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh...
Chia sẻ với phóng viên báo Công Thương, PGS TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh – cũng cho rằng, cần xây dựng trung tâm mua sắm tập trung. Việc xây dựng một trung tâm mua sắm tập trung sẽ giảm tải cho các khoa dược bệnh viện, giúp đơn vị làm công tác chuyên môn lâm sàng thay vì chật vật và nơm nớp lo mỗi khi thực hiện đấu thầu.