Chuyên gia nói gì về chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp? Nhiều rủi ro pháp lý, nhà đầu tư ngại mua phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa |
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xác định là một trong 3 biện pháp trọng tâm để tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nội dung quan trọng, nhưng thời gian qua, việc này diễn ra chậm chạp, không đạt kế hoạch đề ra...
Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội nằm trong kế hoạch thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2022-2025. Trong ảnh: Công nhân lắp ráp sản phẩm tại công ty. |
Chưa chủ động triển khai cổ phần hóa
Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy, lũy kế giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp này, chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 30% kế hoạch), số doanh nghiệp chưa hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa là 89 doanh nghiệp.
Từ năm 2021 đến năm 2023, có 5 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp được phê duyệt theo phương án là 643 tỷ đồng, song lại không thuộc kế hoạch của giai đoạn 2022-2025 (theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2022-2025 cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp).
Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, tiến độ cổ phần hóa trong những năm gần đây chậm, không đạt kế hoạch có nguyên nhân chủ yếu phát sinh trong quá trình xây dựng kế hoạch và quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, khâu tổ chức triển khai thực hiện, phê duyệt phương án cổ phần hóa, xây dựng phương án thoái vốn, xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn kéo dài.
Một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định hiện hành không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuê sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch, vì thế đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa không hấp dẫn nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, dịch Covid-19 khiến việc cổ phần hóa chậm lại. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tương đối trầm lắng, giá trị doanh nghiệp chững lại hoặc đi xuống nên doanh nghiệp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng gặp nhiều khó khăn.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, sở hữu nhiều đất, trong khi gặp khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến đất.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ kịp thời sửa đổi các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan một cách đồng bộ, bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện những thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa. Cơ quan đại diện chủ sở hữu xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp, khả thi; chỉ đạo các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, sẽ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về cổ phần hóa. Giải pháp khác là xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa.
Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp quan trọng là cần tái cấu trúc doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư, từ đó tạo sức hút với nhà đầu tư; có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc cổ phần hóa, từ định giá doanh nghiệp đến thẩm định tài sản và các yếu tố có liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét, đánh giá toàn diện môi trường có liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để xem thực tế cần giữ lại những doanh nghiệp nào, những doanh nghiệp nào phải cổ phần hóa và cổ phần đến mức độ nào bởi việc này đến nay chưa được xác định rõ.
Trên thực tế, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch và chặt chẽ hơn sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Qua đó, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.