Sản xuất công nghiệp phục hồi và hoạt động ổn định
UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương đã thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương |
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhanh sang ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Dẫn chứng năm 2021, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 60,2%; dịch vụ chiếm 30,3%. Năm 2022, các con số này tương ứng là 8,9%; 62%; 29,1%.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường, nhưng năm 2022, sản xuất công nghiệp - xây dựng của tỉnh đã được phục hồi và hoạt động ổn định. Trong đó, sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm và giữ đà tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm (tăng 16,05% so với cùng kỳ năm trước).
Ước tổng giá trị sản xuất đạt 330,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 309,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9%. Các sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức tăng cao như: Sản xuất xi măng tăng 6,5%, điện sản xuất tăng 6,7%, sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng 11,5%, sản xuất và lắp ráp ô tô tăng 131,2%.
Đáng chú ý, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP có sự chuyển dịch tích cực (năm 2021 chiếm 41,3%, năm 2022 ước 41,4%).
Đồng thời, hoạt động dịch vụ phục hồi nhanh, nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao. Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 46,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng 3,3% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,7% so với bình quân chung năm trước.
Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhanh chóng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá. Năm 2022, giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 10.514 triệu USD, tăng 6,6%; hàng hoá nhập khẩu 8.655 triệu USD, tăng 13,8%.
Ngoài ra, thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh. Tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 1.231.000 lượt khách du lịch, tăng gần 90 lần so với năm 2021 (trong đó có 50.600 lượt khách quốc tế, tăng 29,8 lần). Doanh thu du lịch ước đạt 573,7 tỷ đồng, tăng 47,8 lần.
Công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả được tăng cường, thực hiện tốt công tác bình ổn giá; tích cực kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng hóa phong phú, đa dạng, cân đối cung cầu các nhóm hàng thiết yếu được đảm bảo, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa phục vụ nhân dân.
Đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tỉnh Hải Dương đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp giúp doanh nghiệp, cá nhân đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; không để doanh nghiệp phải dừng, giãn hoạt động sản xuất.
Hải Dương đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh |
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, nắm bắt chắc hoạt động sản xuất kinh doanh, vướng mắc của doanh nghiệp để chủ động, tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm đầu tư hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, sử dụng, nhất là đối với các dự án trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị và dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số chuyển đổi số và dùng chuyển đổi số hóa làm nền tảng, đòn bẩy thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh đổi mới trong xúc tiến thương mại, tư vấn và xúc tiến đầu tư; chú trọng đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ. Chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động và hạ tầng kết nối để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho danh nghiệp đầu tư vào tỉnh, thu hút các dự án lớn, dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm mới. Xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và tạo đà phát triển; tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.
Theo số liệu thống kê, năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt 345,5 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2021, trong đó cấp mới 16 dự án với tổng vốn đăng ký 41,4 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 31 lượt dự án với số vốn tăng thêm 299,5 triệu USD.
Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 15 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 400 tỷ đồng (bằng 8,8% so với năm 2021); điều chỉnh 65 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 500 tỷ đồng; thông báo chấm dứt hoạt động 3 dự án.
Cũng trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã thành lập mới 1.600 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với năm 2021, với tổng vốn đăng ký 17,5 nghìn tỷ đồng (giảm 4%); 900 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (tăng 22%).
Trong năm 2023, tỉnh Hải Dương phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,3% trở lên so với thực hiện năm 2022, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,2%; phấn đấu giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9% trở lên so với thực hiện năm 2022.
Theo đó, tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ dứt dứt những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nâng cao năng lực và tỷ trọng của các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên đất đai; chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo sản phẩm đồng bộ.
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh và phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.