Giải quyết điểm “mấu chốt” ách tắc trong kinh doanh xăng dầu
Đánh giá việc liên Bộ Công Thương - Tài chính tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở xăng dầu vào kỳ điều hành ngày mai (11/10) để tháo gỡ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là cần thiết và phù hợp, Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Hiện nay, chi phí xăng dầu của Việt Nam là chưa tính đủ, đặc biệt là liên quan tới nguồn cung ở trong nước. Theo TS. Vũ Đình Ánh, trước đây Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu, nhưng nay nguồn cung trong nước đã đáp ứng đủ. Do đó, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước thiết kết lại chi phí xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Từ đó, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, quyết định tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở xăng dầu đã giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối và các đại lý khi họ liên tục có ý kiến liên quan đến việc bất cập trong tính toán giá cơ sở xác định giá bán lẻ xăng dầu và các chi phí trong đó.
“Hơn hết, việc này giúp giải toả được những vướng mắc hiện nay liên quan tới các hệ thống phân phối bán lẻ cuối cùng. Khi mà các cây xăng bán lẻ ở một số khu vực trong thời gian vừa qua do tính toán kết cấu chi phí chưa được điều chỉnh kịp thời, cho nên họ đã phải đóng cửa cây xăng hay xuất hiện tình trạng chiết khấu âm, tức là càng kinh doanh càng lỗ” - TS. Vũ Đình Ánh đánh giá.
Chuyên gia kinh tế: Điều chỉnh phụ phí xăng dầu, không làm tăng giá cơ sở là yêu cầu khó! |
Cũng đánh giá sự “tức thời” của liên Bộ Công Thương - Tài chính trong việc tăng chi phí vận chuyển và phụ phí trong giá cơ sở xăng dầu vào kỳ điều hành ngày mai. Tuy nhiên chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long lại đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện nay tại sao nguồn cung không thiếu, thậm chí tương đối đầy đủ nhưng hiện tượng các cây xăng ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung lại diễn ra thời gian qua?
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, tăng chi phí và phụ phí xăng dầu sẽ là điểm mấu chốt giải quyết việc ách tắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua. “Các mức chi phí đó nếu chúng ta tính toán không cẩn thận, không tính đúng, tính đủ thì việc kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều, không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, cũng như ảnh hưởng đến đầu ra, các đại lý bán hàng, sau cùng là người dân” - ông Long nhận định.
Tăng chi phí mà không tăng giá cơ sở là “bài toán khó” cho Bộ Công Thương
Dù đánh giá tính kịp thời của liên Bộ Công Thương - Tài chính trong việc tăng chi phí vận chuyển và phụ phí trong giá cơ sở xăng dầu vào kỳ điều hành ngày mai. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, liên bộ cần rút kinh nghiệm, và cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động và nhanh hơn nữa nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo thị trường vận hành ổn định.
Chia sẻ về việc Bộ Tài chính dù đồng ý với việc tăng mức chi phí vận chuyển và phụ phí trong giá cơ sở xăng dầu vào kỳ điều hành ngày mai tới, song trong văn bản gửi Bộ Công Thương vào ngày 7/10, Bộ Tài chính lại yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phương án điều hành giá để việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: "Các chi phí đó là yếu tố cấu thành lên giá thành chính là giá cơ sở. Khi phí tăng thì chắc chắn giá cơ sở phải tăng. Cho nên Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công Thương phải tính toán làm sao tăng phí mà không tăng giá xăng dầu cơ sở là yêu cầu khó với Bộ Công Thương” - ông Long nên quan điểm.
Lý giải quan điểm trên, ông Long cho rằng: Nếu trong bối cảnh thuế VAT giảm, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, hay giá thế giới giảm thì có thể việc tăng phí này không ảnh hưởng nhiều đến tăng giá xăng dầu cơ sở. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy giá đầu vào (giá xăng dầu thế giới) đang tăng cao như những ngày gần đây và các loại thuế, phí vẫn giữ nguyên thì đây lại là bài toán rất khó cho Bộ Công Thương.
Còn TS. Vũ Đình Ánh lại nêu quan điểm, chưa rõ căn cứ nào để Bộ Tài chính đề xuất với Bộ Công Thương điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng nhưng lại không tác động đến giá cơ sở xăng dầu?
Theo TS. Vũ Đình Ánh, hiện giá xăng dầu vẫn do liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định, do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phải hợp tác chặt chẽ trên tinh thần xây dựng, để thị trường xăng dầu được vận hành một cách lành mạnh, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, cũng như bản đảm bảo về hiệu quả kinh tế.