Đồng euro mất giá, xuất khẩu Việt lỗ đậm Giá đồng Euro giảm mạnh Đồng euro lao dốc: Xuất khẩu lo mất giá, nhập khẩu có hưởng lợi? |
Đồng euro mất giá, xuất khẩu sang EU vẫn duy trì ở mức tốt
Đồng Euro mất giá trong những ngày qua khi tỷ giá đồng tiền này liên tục giảm và đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và gần như tương đương với đồng USD. Trong phiên giao dịch chiều 15/7, tỷ giá đồng Euro giảm xuống mức 0,999 USD so với đồng bạc xanh sau dữ liệu, phá vỡ ngưỡng ngang giá lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2002. Việc đồng tiền này mất giá đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay Việt Nam đồng lên giá so với đồng Euro, nhưng lại mất giá so với đồng USD. Trong khi đó, với hoạt động ngoại thương đồng USD là thị trường lớn nhất, EU là thị trường lớn thứ 2. Hai thị trường này sẽ bổ sung qua lại, nên về mặt xuất khẩu chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Bên cạnh đó, hàng hóa bán sang EU chủ yếu là hàng điện tử, nông sản, hàng may mặc, tiêu dùng…. Đây đều là những mặt hàng có thể chống đỡ được với khủng hoảng. Chính vì vậy, lượng xuất khẩu sang thị trường EU vẫn sẽ duy trì ở mức tốt.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nền kinh tế châu Âu đang rơi vào suy thoái do tác động từ dịch Covid-19 cùng với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng khiến đồng euro mất giá liên tục trong thời gian qua. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU.
Doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng khi đồng Euro mất giá liên tục trong thời gian qua |
Cụ thể, trong quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu, doanh nghiệp có hai dạng thanh toán chính là thanh toán bằng đồng USD hoặc đồng euro. Do đó, khi một trong hai đồng tiền này giảm giá thì xuất khẩu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì nhập khẩu sẽ có lợi khi mua được hàng hóa với mức giá rẻ hơn.
Cũng theo chuyên gia Đinh Thế Hiển điều quan trọng hiện nay không phải là tìm cách giảm tác động từ đồng euro mất giá mà thay vào đó là doanh nghiệp phải làm sao để bán được hàng qua Châu Âu. Mỹ và EU là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với 2 thị trường này đều có bước tiến mạnh. Việc tăng cường xuất khẩu vào những thị trường khó tính này sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
“Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này chủ yếu là hàng nông sản và hàng tiêu dùng nên nhu cầu thị trường luôn ở mức cao, nên doanh nghiệp phải làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu, nhằm giữ được thị phần và thị trường”, ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Đa dạng hóa đồng tiền thanh toán
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, nếu phá giá VND không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài.
Do đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình. Tốt nhất, nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD hay đồng euro.
Hiện nay, nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu phải đối mặt với các vấn đề về tỷ giá hối đoái thay đổi, lạm phát tăng, một số thị trường tài sản có thể biến động và rủi ro tài chính mở rộng. Đáng chú ý là lạm phát, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh tại Trung Quốc đều tác động đến một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường là cần thiết với các doanh nghiệp nếu tình trạng kể trên kéo dài. Cụ thể, kế hoạch kinh doanh năm 2022 - 2023 nên được điều chỉnh theo hướng lãi suất tăng, các chính sách hỗ trợ phục hồi như giãn hoãn nợ, thuế… giảm dần hiệu lực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi. Trên cơ sở các hợp đồng Swap, mua bán kỳ hạn đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hoá một cách khoa học, dài hạn. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như là các khách hàng quốc tế của mình, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ… phát sinh.