Thiếu những chính sách đủ mạnh
Trước đó, vào cuối giờ chiều 6/6, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - đoàn Quảng Nam chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: "Qua câu trả lời của Bộ trưởng, tôi cơ bản đồng tình về vấn đề thu hút các nguồn lực, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua ý này thì lại nảy sinh ra 2 vấn đề muốn trao đổi và nghe thêm quan điểm của Bộ trưởng".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn |
Thứ nhất, tôi đồng tình với việc là ngoài những chính sách của Trung ương, các địa phương có những chính sách về đất đai, tín dụng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, nếu như tùy nguồn lực từng địa phương sẽ dẫn đến một tình trạng mỗi địa phương sẽ có chính sách khác nhau, không đồng bộ trong cả nước.
Thứ hai, liên quan đến đất đai, đặc biệt nếu các địa phương có những cơ chế ưu đãi mang tính chất vượt trội hơn quy định của Trung ương, hơn quy định pháp luật thì lại vướng quy định pháp luật. Cho nên vấn đề đặt ra ở đây là tính đồng bộ.
"Tôi rất mong Bộ trưởng phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này nên như thế nào và hướng dẫn cho địa phương, có cho phép địa phương những cơ chế ưu đãi vượt trội so với quy định pháp luật được không. Đây là vấn đề rất khó và rất vướng hiện nay. Bộ trưởng nghiên cứu thêm những vấn đề này để có đề xuất trong thời gian tới những chính sách của Trung ương, thậm chí sửa đổi pháp luật đồng bộ" - đại biểu kiến nghị.
Liên quan đến sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số đối với vùng núi, Bộ trưởng có nêu vấn đề sắp tới sẽ đề xuất sửa đổi Luật Lâm nghiệp theo hướng tạo điều kiện cho các rừng đặc dụng được trồng các cây dược liệu dưới tán rừng. Đây là vấn đề đặt ra trong thực tiễn nhưng hiện nay nếu chờ sửa Luật Lâm nghiệp còn rất lâu.
"Tôi đề nghị theo quan điểm Bộ trưởng, ngay tại kỳ họp này, chúng ta đưa vào Nghị quyết Quốc hội kỳ họp này cho phép các địa phương có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng các cây dược liệu đảm bảo sinh kế, vừa quản lý vừa bảo vệ rừng có được không?" - đại biểu nêu.
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình sáng 7/6, về cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm của đại biểu, trong đó hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.
Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương ban hành làm cơ sở địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể của từng địa phương, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương.
Bộ trưởng cũng cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh, vì vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về đề nghị của đại biểu, để phát triển sinh kế dưới tán rừng, tại Kỳ họp này có nên đưa vào nghị quyết về một cơ chế đặc thù để phát triển sinh kế dưới tán rừng hay không, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, vấn đề này liên quan đến Luật Lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp xây dựng đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới đây, trong đó có phát triển sinh kế dưới tán rừng.
Việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm
Tại phiên chất vấn chiều 6/6, đại biểu Dương Văn Phước - đoàn Quảng Nam chất vấn: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhưng sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất là chậm. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn Hà Nội tranh luận |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm. “Chúng tôi cũng thấy tiến độ trong 3 năm qua đúng là chậm, trong đó có quy trình pháp luật, rồi các vấn đề vướng mắc cần phải tháo gỡ, phải sửa chữa nhưng cơ bản hệ thống văn bản đã ban hành xong trong năm 2022, chỉ còn có 2 văn bản chưa ban hành, hiện cơ bản đã hoàn thành” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.
Chưa hài lòng với một số nguyên nhân dẫn đến triển khai chậm Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số là do thời tiết, dịch Covid-19 cũng như biến động quốc tế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm nguyên nhân, cũng như và trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhận trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong chậm triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư và phân công các Bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn, đến hết năm 2022 đã cơ bản triển khai xong.
“Việc triển khai Chương trình bị chậm về mặt thủ tục với nhiều lý do, trong đó có lý do chủ quan Ủy ban xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Tại phiên họp Quốc hội tháng 10/2022, Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội và từ đó đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt những vấn đề cần tháo gỡ nên đến nay cơ bản đã hoàn thành” - ông Hầu A Lềnh lý giải và cho biết trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc sẽ làm tốt hơn trong vai trò kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trao đổi lại với Bộ trưởng Hầu A Lềnh về phần trả lời, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn Báo cáo số 100 ngày 1/4/2023 của Chính phủ cho thấy việc ban hành thông tư hướng dẫn nhiều nội dung còn rất chậm, một số văn bản quy định hướng dẫn nội dung các Chương trình trái quy định của pháp luật, cụ thể là trái quy định của Luật Đầu tư công, chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn.
“Vì vậy, tôi chỉ muốn nói Bộ trưởng cần sâu sát hơn để đưa ra những thông tin cho cử tri cũng như đại biểu được biết” - đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.
Về cơ cấu sử dụng nguồn vốn, bà Lưu Mai cho biết trong Nghị quyết 120 của Quốc hội nêu rất rõ nhiệm vụ đó là tăng chi đầu tư và khi trình Quốc hội các đại biểu Quốc hội khóa XIV đã nêu rất rõ nguồn lực có hạn thì cần phải đến với người dân thông qua những sản phẩm cụ thể, hạn chế việc chi thường xuyên. Trong đó, hạn chế tối đa việc hội thảo tư vấn.
“Nhưng khi đọc Báo cáo của Chính phủ chúng tôi thấy cơ cấu này chưa hợp lý. Tôi mong Bộ trưởng quan tâm để làm sao trong lúc nguồn lực có hạn thì đến được với đồng bào dân tộc, những người hiện nay đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.
Trả lời về ý kiến tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai liên quan đến bố trí vốn tăng cường đầu tư; một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương.
Tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn. Đồng thời, xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết của Quốc hội.