Thêm kênh phân phối cho sản phẩm OCOP Thái Bình Thái Bình: Lan tỏa sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch |
Từ thức quà quê dân dã…
Từ lâu, làng Nguyễn (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã nổi tiếng với nghề làm bánh cáy. Đây là món bánh kết tinh của hương đất, hương đồng, xưa kia được dùng như một sản vật để tiến vua. Trải qua bao biến động của lịch sử, hiện nay bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại và phát triển và được công nhận là sản phẩm OCOP.
Từ những hương liệu đồng quê như thóc, gạo, lạc, gừng... những con người tài hoa nơi đây đã làm lên một sản phẩm nổi tiếng, đó là bánh cáy. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì bánh cáy làng Nguyễn đã có cách đây hơn 200 năm. Đến nay, các di tích lưu niệm nhân vật lịch sử của nghề làm bánh cáy vẫn được người dân trong xã giữ gìn và tôn thờ. Trải qua bao biến động của lịch sử, sản phẩm bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại, phát triển, trở thành sản phẩm đặc trưng của người dân Thái Bình.
Chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Đình Mạnh và đặc sản bánh cáy Thái Bình được chứng nhận OCOP. |
Có gần 20 năm làm bánh cáy, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Đình Mạnh, xã Đông Sơn (Đông Hưng) không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm song vẫn giữ được hồn cốt món quà quê bình dị của Thái Bình. Vì thế, tháng 2/2023, sản phẩm bánh cáy của xưởng đã được UBND huyện đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó, cơ sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xét duyệt quyết định cấp sao cho các sản phẩm. Đây chính là cơ hội để xưởng xây dựng thương hiệu bền vững, mở rộng thị trường, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Ban đầu, xưởng sản xuất thủ công, số lượng sản phẩm ít nhưng đến nay sản phẩm bánh cáy Đình Mạnh đã đi đến khắp mọi miền của Tổ quốc. Có được sự thành công đó chính là sự nỗ lực, nâng cấp, cải tiến máy móc, chất lượng sản phẩm của chủ doanh nghiệp Nguyễn Đình Mạnh.
Là hộ sản xuất bánh cáy lâu đời và nhiều nhất xã, ông Đình Mạnh luôn trăn trở về việc phát triển thương hiệu bánh cáy quê hương, chống hàng giả hàng nhái. Chính vì vậy, khi tỉnh triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm, được sự hướng dẫn của các cấp, các ngành, ông đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm bánh cáy và hiện đã được huyện công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại điểm bán hàng của cơ sở sản xuất Đình Mạnh. |
Nói về lợi ích kể từ khi gia nhập chương trình OCOP, ông Nguyễn Đình Mạnh phấn khởi chia sẻ: “Kể từ khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, cơ sở của tôi đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như thiết kế lại bao bì sao cho đẹp mắt, tạo mã QR để người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, tránh tình trạng làm hàng giả, tạo uy tín cho thương hiệu. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ; tạo website, trang fanpage riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua mạng…”
Với sự hỗ trợ ấy, hiện nay, xưởng của ông Đình Mạnh sản xuất ra thị trường mỗi ngày khoảng 2 tấn bánh kẹo các loại. Những tháng cao điểm như giáp Tết, xưởng của ông có thể sản xuất được trên 5-8 tấn bánh kẹo/ngày.
Đến tạo công ăn việc làm cho người dân quê lúa
Lập nghiệp từ khi chỉ có hai vợ chồng, làm thời vụ mỗi dịp Tết, đến nay, ông Mạnh đã mở rộng cơ sở sản xuất, thuê thêm nhân công để phục vụ cho việc làm bánh. Đặc biệt, có những tháng, xưởng của ông phải thuê tới 50 nhân công hoạt động hết công suất để kịp trả đơn hàng cho khách.
Xưởng bánh kẹo của ông Đình Mạnh đã tạo công ăn việc làm cho người dân quanh xã. Chị Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, xã Đông Sơn) cho biết: “Tôi đã làm ở đây được gần 4 năm rồi. Từ khi ông chủ đăng ký tham gia chương trình OCOP có nhiều đơn hàng hơn nên chúng tôi cũng rất vui và phấn khởi vì sản phẩm mình làm đến tay nhiều người tiêu dùng hơn.”
Công đoạn đóng gói sản phẩm được đảm bảo đúng quy trình vệ sinh, an toàn. |
“Từ khi sản phẩm bánh cáy được chứng nhận là sản phẩm OCOP, anh em chúng tôi làm ở đây đều rất tự hào về đặc sản quê hương đã lên tầm cao mới. Hiện nay, ông Mạnh đều đã tăng lương nên chúng tôi làm việc càng năng suất hơn.”, anh Ngọc Thắng (công nhân xưởng sản xuất bánh kẹo Đình Mạnh) chia sẻ.
Không chỉ sản xuất bánh cáy, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Đình Mạnh còn sản xuất nhiều loại bánh kẹo truyền thống có chất lượng cao bằng dây chuyền hiện đại.
Nhận thấy giá trị mà chương trình OCOP mang lại, ông Nguyễn Đình Mạnh tiếp tục đăng ký chứng nhận OCOP cho các sản phẩm của xưởng như kẹo lạc, kẹo dồi. Đồng thời, tiếp tục đẩy các sản phẩm lên website và các sàn thương mại điện tử như Shopee để tăng doanh số. Vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP ra đời bằng kinh nghiệm và tâm huyết của người sản xuất đã được nhiều du khách biết đến.
Xác định chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá du lịch và nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân, kết hợp cùng hoạt động du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển. Mong rằng từ sự kết hợp này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.