Chùa Bút Tháp còn có tên gọi khác là Ninh Phúc tự, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong không nhiều ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn ở Đồng bằng Bắc bộ còn lại cho đến ngày nay.
|
Chùa Bút Tháp với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc |
|
Công trình kiến trúc hài hòa với thiên nhiên |
Chùa Bút Tháp có kiến trúc độc đáo hài hòa với môi trường thiên nhiên. Mỗi một công trình kiến trúc của ngôi chùa là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các họa tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần tu tạo lớn vào giữa thế kỷ thứ XVII thời Lê - Trịnh. Kiến trúc các hạng mục cân xứng chặt chẽ ở khu trung tâm nhưng lại rất tự nhiên ở các khu vực xung quanh. Dù đã trải qua 6 lần trùng tu, bắt đầu từ thế kỷ 17 và lần gần đây nhất là năm 2015, nhưng về cơ bản, kiến trúc của chùa vẫn gần như nguyên vẹn và được giới chuyên môn đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.
|
Qua 6 lần tu sửa nhưng chùa Bút Tháp vẫn giữ nguyên nét cổ kính |
Cũng như như nhiều ngôi chùa cổ khác ở phía Bắc, toàn bộ kiến trúc chính của chùa Bút Tháp quay theo hướng Nam, mà theo đạo Phật đây là hướng của trí tuệ. Khu trung tâm bao gồm 8 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành, được bố trí trên một trục dọc. Tổng thể ngôi chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên thoáng mở ở khu vực xung quanh, nên chùa Bút Tháp có nét riêng có và vô cùng độc đáo.
Chiêm ngưỡng chùa Bút Tháp, du khách dễ dàng nhận thấy hệ thống chạm khắc rất đẹp và độc đáo, trang trí được thể hiện mọi nơi trên các chất liệu gỗ, đá. Hình ảnh chạm khắc ở đây sống động tươi vui hàm chứa ý nghĩa phật đạo và đặc biệt mang đậm tính chất nghệ thuật thiền.
|
Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ |
|
Hình thú chạm đá rất tinh xảo tại tháp Báo Nghiêm |
Điểm đặc biệt của chùa Bút Tháp là ngọn bảo tháp bằng đá, có tên là tháp Báo Nghiêm, giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Lòng tháp có đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Đây là công trình nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.
|
Hệ thống tượng Phật phong phú, biểu cảm sinh động tại chùa Bút Tháp |
Trong chùa Bút Tháp có hệ thống tượng Phật vô cùng phong phú. Ngoài ra, còn có hơn 70 pho tượng La hán bằng gỗ với biểu cảm sinh động. Nơi đây được đánh giá là khuôn mẫu Phật giáo ở Việt Nam. Trong hệ thống các pho tượng cổ của chùa Bút Tháp phải kể đến một báu vật cổ, chính là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt đẹp nhất Việt Nam. Đây được xem là tuyệt tác độc nhất vô nhị trong các di sản nghệ thuật văn hóa cổ xưa. Tượng có chiều cao 3,7m, rộng 2,1m, được đặt trên tòa sen rồng đội. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng gỗ đương thời.
|
Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt đẹp nhất Việt Nam |
|
Cây cầu bằng đá nối giữa tòa Chính điện với tòa Cửu Phẩm liên hoa |
|
Cửu Phẩm liên hoa là tháp làm bằng gỗ hình bát giác |
Đến chiêm bái chùa Bút Tháp, du khách đặc biệt ấn tượng trước vẻ đẹp của cây Cửu Phẩm liên hoa, một tác phẩm được chạm khắc tinh xảo. Cửu Phẩm liên hoa là tháp làm bằng gỗ hình bát giác, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của Đức Thích Ca Mâu Ni. Tháp có thể xoay được mà không phát ra âm thanh. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 3 cây Cửu Phẩm liên hoa ở 3 ngôi chùa là Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Phẩm và chùa Giám (ở Hải Dương).
|
Chùa Tháp Bút, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch tâm linh |
|
Chùa Bút Tháp - chốn thanh tịnh và bình an |
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, song chùa Bút Tháp vẫn còn giữ được nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng cổ của người Việt xưa. Nơi đây luôn là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng quê Kinh Bắc và là điểm đến hấp dẫn của du lịch tâm linh đối với nhiều du khách trên khắp mọi miền đất nước cũng như nước ngoài khi tới Việt Nam… Hàng năm, mọi người dân trong vùng và du khách gần xa luôn nhớ và trở về dự hội chùa, được tổ chức vào ngày 24/3 (âm lịch).