Người dân “mòn mỏi” chờ đợi căn cước công dân Khởi tố "hot girl" cầm đầu đường dây làm giả căn cước công dân Hơn 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được cấp |
Nhiều cơ sở lưu trú qua đêm như khách sạn, nhà nghỉ vẫn đang giữ lại căn cước công dân của khách. Nhiều người băn khoăn, liệu việc này có đúng quy định của pháp luật hay không?
Giải đáp những thắc mắc này, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Theo khoản 2 Điều 7 Luật tiếp công dân 2013, khi đến liên hệ công tác, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, nơi tiếp công dân, công dân cần cung cấp họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có), nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân.
Khách sạn, nhà nghỉ lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở, lễ tân không có quyền giữ căn cước công dân của khách mà chỉ được phép yêu cầu khách xuất trình căn cước công dân để kiểm tra thông tin. |
Bên cạnh đó, về việc thuê phòng tại khách sạn, nhà nghỉ, ở đây kinh doanh nhà nghỉ là một trong những ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự. Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có nghĩa vụ kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); Các loại giấy tờ có dán ảnh do cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp (như Giấy phép lái xe…).
Do đó, khách thuê phòng có trách nhiệm xuất trình giấy tờ tùy thân để được kiểm tra. Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí phòng nghỉ phải thông báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.
“Luật chỉ quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú này kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách để đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, sau khi kiểm tra, vào sổ thì phải trả khách ngay” – luật sư Tiền nói.
Tìm hiểu lý do một số nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn Hà Nội giữ lại giấy tờ tuỳ thân của khách hàng, một số nhà nghỉ, khách sạn cho biết, mặc dù có nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này, song để “đảm bảo an toàn” vì lo khách bùng tiền phòng nên mới giữ lại giấy tờ tuỳ thân của khách.
Anh Đỗ Minh Vũ – chủ nhà nghỉ trên đường Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Đa số các nhà nghỉ, khách sạn kinh doanh dịch vụ lưu trú đều thực hiện việc giữ lại giấy tờ tuỳ thân của khách như căn cước công dân để “làm tin”. Vì nhiều trường hợp khách hàng ở nhiều ngày sau đó không thanh toán. Vì vậy, việc thu giữ căn cước công dân của khách là việc bất đắc dĩ”.
Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết, theo quy định của luật căn cước công dân, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân, dùng để chứng minh nhân thân công dân của Việt Nam và sử dụng vào những thủ tục hành chính, giao dịch dân sự khác.
Theo quy định chỉ những cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có thẩm quyền tạm giữ thẻ căn cước công dân.
Trong các giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ, khách sạn, nhà nghỉ lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở, lễ tân không có quyền giữ căn cước công dân của khách mà chỉ được phép yêu cầu khách xuất trình căn cước công dân để kiểm tra thông tin.
Theo đại diện C06, quy định về việc tạm giữ chứng minh nhân dân trước đây cũng như vậy, chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được phép giữ chứng minh nhân dân của công dân.
Chia sẻ thêm về chế tài xử phạt đối với hành vi thu giữ căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người thuê phòng nhà nghỉ, khách sạn, luật sư Tiền cho biết: Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi chiếm đoạt, sử dụng chứng minh thư, thẻ căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt hành vi này thuộc về công an cấp xã (theo Điều 69 Nghị định 144/2021 của Chính phủ).