Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, yếu tố then chốt tăng hiệu quả logistics |
Trên thị trường hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, xâm phạm bản quyền thương hiệu của doanh nghiệp đang là vấn đề báo động, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm.... Đối tượng buôn bán hàng giả tại Việt Nam cũng đang ngày càng tinh vi hơn về cách thức làm giả để lừa người dùng. Hàng giả, hàng nhái không chỉ tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu mà ngày càng nhiều hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng bị làm giả.
Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Chính vì vậy, việc chống hàng giả, hàng nhái; bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Để góp phần tìm giải pháp cho vấn đề ngăn chặn nạn hàng giả và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp chân chính, Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (gọi tắt là PCCP) đã ra đời. Đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, được thành lập năm 2019 trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam,
Tập huấn công nghệ QRcode trong chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu |
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Trung tâm PCCP đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học tâm huyết miệt mài nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để cho ra đời hệ thống mã QRcode tiên tiến hàng đầu hiện nay. Công nghệ này giúp phân biệt hàng giả, hàng nhái, giúp các doanh nghiệp bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của mình. Đặc biệt hơn, PCCP còn xây dựng hệ thống ngân hàng dữ liệu, lưu giữ mẫu vật phẩm làm đối chứng cho các nhà sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa để giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế…
Ông Nguyễn Thành Đồng – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu |
Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, cho biết: Trung tâm đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện “Ngân hàng dữ liệu các sản phẩm thương mại đang lưu hành ở Việt Nam” với mục đích tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ công tác quản lý hoạt động thương mại một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất; giúp cho sự phát triển và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp được thuận lợi; đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng của người tiêu dùng đối với hoạt động này. Ngân hàng dữ liệu các sản phẩm thương mại ra đời sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với cơ quan quản lý, dễ dàng theo dõi được lịch sử thay đổi của sản phẩm và hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian, nhanh chóng tương tác hai chiều để cập nhật thông tin, giúp kiểm soát chất lượng, tình trạng phân phối và lưu hành sản phẩm, hỗ trợ quản lý giá sản phẩm một cách nhanh nhất và hiệu quả.
Đối với doanh nghiệp, giúp cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm và thương hiệu của các doanh nghiệp được thuận lợi. Đồng thời, giải quyết triệt để được các tranh chấp về thương mại nếu có tình huống xảy ra.
Đối với người tiêu dùng, ngân hàng dữ liệu sẽ giúp cho người tiêu dùng truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất về tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp đang lưu hành tại Việt Nam, hỗ trợ kiến thức sử dụng, tra cứu thông tin chính xác về nguồn gốc của sản phẩm, tra cứu giá sản phẩm, tra cứu hệ thống đại lý chính thức phân phối sản phẩm của doanh nghiệp…
Một buổi làm việc của PCCP với các đối tác |
Sau hơn 2 năm hoạt động, Trung tâm PCCP đã xây dựng được mạng lưới các văn phòng ở 40 tỉnh, thành phố trực thuộc sự quản lý của 3 văn phòng miền Bắc, miền Trung và miền Nam, để thuận lợi cho các doanh nghiệp được dễ dàng tiếp cận với chương trình chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.
Mục tiêu đề ra đầu quý I/2023, trung tâm sẽ phủ kín các văn phòng đại diện ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý nhanh gọn, đơn giản nhất để bảo vệ thương hiệu, giúp doanh nghiệp an tâm trong quá trình phát triển kinh doanh; đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.