Dự báo VND sẽ tăng trở lại
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn như trước, bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống Covid-19.
Dự báo về lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, từ giờ đến cuối năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất (sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỷ lục kể từ năm 2007). Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo có 1 lần tăng lãi suất nữa, như vậy lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023.
"Nếu tình hình kinh tế của Mỹ, của thế giới xấu đi thì khả năng họ bắt đầu đảo chiều lãi suất vào đầu năm tới. Đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam" - TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Còn các ngân hàng trung ương ở châu Á theo TS. Lực khả năng có 1 lần tăng lãi suất, rồi sẽ đi ngang. "Việt Nam đã đi trước một bước khi đã giảm lãi suất điều hành về mức 5,5% trong tháng 3 vừa qua và thị trường hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành về mức 4% đến trong năm 2025. Đây là mức thấp tương đương với lãi suất trước đại dịch Covid-19"- TS. Lực kỳ vọng.
Đối với tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, biến động của tỷ giá USD/VND ở mức trên 3% là chấp nhận được. Dự báo trong năm 2023, khi Mỹ không tăng lãi suất, kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp hơn, đồng USD mất giá và các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại, trong đó có VND.
Từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá 0,7-0,8% so với USD. TS. Cấn Văn Lực dự báo tỷ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ ổn định, VNĐ nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5-1%.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn |
Về tín dụng, năm nay Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tín dụng tăng 14%, song khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ thấp hơn dự báo từ 13 - 14%. Đáng lo nhất theo TS. Cấn Văn Lực là nợ xấu. Ông Lực phân tích, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh (dự báo khoảng 2,5%). Tuy nhiên, Thông tư 02/2023/TT-NHNN vừa được ban hành sẽ làm tốc độ tăng nợ xấu chậm lại năm nay.
Dù vậy, theo TS. Lực, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát do năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tốt hơn nhiều giai đoạn trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung toàn hệ thống hiện đã lên tới 125%.
Ngoài ra, huy động vốn và tốc độ cung tiền năm nay cũng dự báo khả quan hơn năm trước, tăng trưởng khoảng 10%. Thị trường chứng khoán năm nay cũng dự báo phục hồi trở lại, tăng khoảng 15%.
Bà Hà Thị Kim Nga, cán bộ kinh tế cao cấp văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam lại cho rằng, kỳ vọng lãi suất của Fed trở nên rất dao động. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ còn lớn hơn và lâu hơn có thể tác động lan tỏa lớn đến châu Á. Tuy nhiên, bà Nga cũng đánh giá áp lực tỷ giá đã dịu đi, và chính sách tiền tệ cũng đã được nới lỏng. "Lạm phát có thể đã tiệm cận đến điểm bước ngoặt" - bà nói.
Lạm phát chung đã ổn định trở lại tại các nước trong khu vực nhờ giảm giá hàng hóa sơ chế và chi phí vận chuyển; nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn cao và đang ngày càng trở thành nguyên nhân chính gây lạm phát. Do đó, dù dự báo nhìn chung lạm phát sẽ giảm, song bà Hà Thị Kim Nga cảnh báo lạm phát cơ bản có thể còn dai dẳng trước khi giảm dần xuống dưới 4%.
Chính sách tiền tệ cần “đa mục tiêu”
Để nền kinh tế phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải “đa mục tiêu” hơn. Bởi, ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đang chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ thận trọng, chặt chẽ sang hướng nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ban hành chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng….
Đánh giá cao vai trò của chính sách tiền tệ với nền kinh tế, song chuyên gia này cũng cho rằng, năm 2023, chính sách tài khóa vẫn là chính sách chủ lực trong hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực đề nghị tiếp tục tung ra một số gói hỗ trợ cho người dân (giãn hoãn thuế, giảm phí); đồng thời đẩy mạnh đầu tư công để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống,...
Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 |
Bà Hà Thị Kim Nga khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá, đồng thời đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản.
TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần sớm có kịch bản riêng để mọi việc không trở nên xấu đi, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo công ăn việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế. Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.
"Điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến mục tiêu tổng thể, ổn định kinh tế vĩ mô. Mong muốn ổn định lãi suất là mong muốn chính đáng, ngành ngân hàng mong muốn lãi suất ổn định, lãi suất thấp, cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống tài chính ngân hàng" - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.