Tổng thống Putin cảnh báo về chiến tranh hạt nhân với Ukraine
Theo đài RT, ngày 25/9, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này cần phải cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân với Ukraine. Ông Putin cũng đề xuất một danh sách mở rộng về các tình huống như vậy để bao gồm "thông tin đáng tin cậy" về một cuộc tấn công quy mô lớn đang được tiến hành nhằm vào Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh về răn đe hạt nhân tại Moscow ngày 25/9. Ảnh: Reuters |
Đài RT dẫn lời lãnh đạo Điện Kremlin lưu ý, danh sách các mối đe dọa và các quốc gia hoặc khối quân sự phải đối mặt vũ khí răn đe hạt nhân từ Nga nên được mở rộng trong phiên bản cập nhật của học thuyết.
"Bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ nên được coi là cuộc tấn công chung của họ", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh Moscow cũng sẽ "cân nhắc" sử dụng phản ứng hạt nhân nếu có "thông tin đáng tin cậy" về một tên lửa mạnh hoặc một cuộc không kích do quốc gia khác xúc tiến chống xứ sở bạch dương. Tổng thống Nga khẳng định, vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công tiềm tàng của thế lực thù địch có thể bao gồm bất kỳ thứ gì, từ tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình đến máy bay chiến lược và máy bay không người lái (UAV).
"Chúng ta có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp Nga và Belarus bị xâm chiếm”, ông Putin cho biết thêm, đồng thời khẳng định Moscow sẽ phối hợp nguyên tắc này với Minsk.
Cũng theo ông Putin, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối thủ gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào (Nga hoặc Belarus) thông qua việc sử dụng vũ khí thông thường". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga không nêu rõ thời điểm những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của đất nước ông sẽ có hiệu lực.
Các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov và phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov đã thảo luận về các thay đổi tiềm tàng đối với học thuyết hạt nhân trong những tháng gần đây. Hồi cuối tháng 8, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tiết lộ tài liệu này "đang được tái xem xét".
Hezbollah ‘dội lửa’ Tel Aviv, cơ quan tình báo Israel ‘vào tầm ngắm’
Theo AP, ngày 25/9, Hezbollah vừa bắn tên lửa vào trụ sở Mossad để đáp trả việc một chỉ huy của họ bị giết trong cuộc tấn công vào Beirut. Quân đội Israel đã đánh chặn được tên lửa và cho biết đây là lần đầu tiên Hezbollah nhắm vào Tel Aviv.
Hệ thống phòng không 'Iron Dome' của Israel đã chặn được hàng trăm tên lửa được bắn từ Lebanon trong những ngày gần đây. Ảnh: AP |
Quân đội Israel cho biết hôm 25/9 rằng, đã chặn được một tên lửa đất đối đất được bắn từ Lebanon vào sáng thứ Tư trên bầu trời Tel Aviv. Cùng ngày, phong trào Hezbollah tuyên bố đã phóng tên lửa đạn đạo "Qader 1" vào trụ sở cơ quan tình báo Israel (Mossad) gần thủ đô Tel Aviv, lực lượng mà Hezbollah cho rằng phải chịu trách nhiệm về vụ ám sát một số nhà lãnh đạo của họ, cũng như các cuộc tấn công hàng loạt nhằm vào thiết bị liên lạc cầm tay như máy nhắn tin, máy bộ đàm của các chiến binh.
Vụ phóng tên lửa của Hezbollah đã kích hoạt còi báo động không kích ở Tel Aviv và khắp miền trung Israel. Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo, vì tên lửa đã bị quân đội đánh chặn thành công.
Quân đội Israel cho rằng, đây là màn đáp trả của Hezbollah sau khi một chỉ huy cấp cao nữa, ông Ibrahim Muhammad Qabisi, người đứng đầu lực lượng tên lửa và rocket, đã thiệt mạng do cuộc không kích của Israel ở Beirut vào thứ Ba. Đây là một đòn giáng mạnh mẽ vào bộ máy lãnh đạo của Hezbollah, vốn đã choáng váng vì mất đi vị chỉ huy quân sự cấp cao và cũng là người đứng đầu lực lượng biệt kích tinh nhuệ Radwan vào thứ Sáu tuần trước.
Những mất mát này, cùng với các cuộc tấn công tinh vi làm nổ hàng nghìn thiết bị liên lạc cầm tay, nhiều chiến binh Hezbollah bị thương, đang khiến căng thẳng giữa Israel và Hezbollah gia nhiệt lên mức cao nhất kể từ năm 2006, và đẩy hai đối thủ này vào nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện.
Công phá 2.000 mục tiêu Hezbollah, Israel ‘bật đèn xanh’ đàm phán ngừng bắn
Truyền thông Israel tối qua (25/9) cho biết Thủ tướng nước này đã bật đèn xanh cho việc tiến hành các cuộc thảo luận với Mỹ về một lệnh ngừng bắn tạm thời giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah. Trong khi đó, quân đội Israel thông báo đã công phá hơn 2.000 mục tiêu Hezbollah trong 3 ngày đầu của chiến dịch không kích “Mũi tên phương Bắc” nhằm vào Lebanon.
Khói bốc lên từ vị trí ở thị trấn Khiam, miền nam Lebanon sau khi Israel không kích. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Ynet, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã “bật đèn xanh” cho việc thảo luận với giới chức Mỹ về một một lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Phong trào Hezbollah ở Lebanon.
Dẫn một số nguồn giấu tên, Ynet cho biết, đích thân Thủ tướng Benjamine Netanyahu và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer đang tiến hành các cuộc trao đổi với Washington về hướng đi này. Đồng thời, giới chức Mỹ cũng đang thảo luận với Chính phủ Lebanon và đại diện Hezbollah về cùng chủ đề. Đáng chú ý, nguồn tin khẳng định Iran cũng tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan.
Trong khi đó, trang tin LBCI của Lebanon thậm chí cho biết, các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn dắt nhằm hạ nhiệt chiến sự giữa Israel và Hezbollah, đã đạt được tiến triển đáng kể. Nguồn tin cũng dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng, kết quả thương thảo có thể được xác định vào sáng sớm 26/9, giờ địa phương, tùy thuộc vào quyết định của hai bên tham chiến, cũng như diễn biến tình hình thực địa trên chiến trường trong những giờ tới.
Thông tin về việc các bên đàm phán hạ nhiệt căng thẳng xuất hiện trong bối cảnh chiến dịch không kích quy mô lớn mang mật danh “Mũi tên phương Bắc” của Israel vào Lebanon, đã bước sang ngày thứ 3.
Thông báo tối 25/9 của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong gần 3 ngày qua, không quân Israel đã tấn công hơn 2.000 mục tiêu của Hezbollah, phá hủy hàng chục nghìn tên lửa và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tay súng.
Trong khi đó tại Lebanon, Bộ Y tế nước này thông báo, có thêm 72 người chết và 392 người bị thương trong các cuộc không kích của IDF vào Lebanon ngày 25/9. Thương vong nghiêm trọng nhất ghi nhận tại khu vực phía Nam với 38 người chết và 233 người bị thương.
Thăm dò bầu cử Mỹ: Bà Harris tiếp tục dẫn trước ông Trump
Theo Reuters, ngày 25/9, kết quả thăm dò do Reuters/Ipsos công bố cho thấy Phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đang dẫn trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ 47%-40%.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC News |
Các số liệu khảo sát cho thấy, bà Harris dường như đang làm giảm lợi thế của ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng liên quan đến kinh tế và việc làm. Cụ thể, trong kết quả cuộc thăm dò kéo dài 3 ngày kết thúc vào ngày 23/9 này, bà Harris dẫn trước 6 điểm phần trăm khi nhận được sự ủng hộ từ 46,61% cử tri đã đăng ký, trong khi ông Trump được 40,48% ủng hộ. Như vậy, khoảng cách dẫn trước của ứng cử viên đảng Dân chủ nhỉnh hơn một chút so với lợi thế 5 điểm trước đối thủ Trump trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành từ ngày 11, 12/9.
Khi được hỏi ứng cử viên nào có cách tiếp cận tốt hơn về "nền kinh tế, thất nghiệp và việc làm", khoảng 43% cử tri trong cuộc thăm dò đã chọn ông Trump và 41% chọn bà Harris. Lợi thế dẫn trước 2 điểm của ông Trump về chủ đề này giảm nhẹ so với lợi thế 3 điểm trong cuộc thăm dò hồi tháng 8 và giảm mạnh so với khoảng cách 11 điểm vào cuối tháng 7 ngay sau khi bà Harris phát động chiến dịch tranh cử.
Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos được tiến hành trực tuyến với 1.029 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc, trong đó có 871 cử tri đã đăng ký, với biên độ sai số khoảng 4%.
Ông Donald Trump: ‘Mỹ cần bước ra khỏi cuộc chiến Ukraine’
Theo Reuters, ngày 25/9, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nếu tái đắc cử, ông sẽ khiến nước Mỹ không còn liên quan đến xung đột ở Ukraine. Tại cuộc vận động tranh cử ở bang Georgia, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc chính quyền kế nhiệm khiến Mỹ sa lầy vào cuộc chiến ở Ukraine. Ông cam kết sẽ giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến này nếu tái đắc cử.
Ông nói: "Chúng ta sẽ mắc kẹt trong xung đột này, trừ khi tôi là tổng thống. Tôi sẽ chấm dứt nó, đưa chúng ta ra ngoài. Tôi sẽ đàm phán. Chúng ta phải ngừng liên quan đến vấn đề này", nhấn mạnh rằng cả đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris và Tổng thống Joe Biden đều không có bất kỳ kế hoạch nào như vậy.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times |
Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử. Ông cho biết, nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Nếu Moscow từ chối, Mỹ sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine, ngược lại, nếu Kiev từ chối, Mỹ lập tức cắt viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, cả Nga, Ukraine và giới chức phương Tây đều hoài nghi về khả năng giải quyết xung đột Ukraine của ông. Một số ý kiến cho rằng, nếu ông Trump đắc cử, Mỹ sẽ giảm hoặc cắt viện trợ cho Ukraine bởi ông từ lâu đã chỉ trích việc Mỹ tiêu tốn hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Tại một cuộc vận động tranh cử khác vào ngày 23/9, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa tuyên bố rằng Tổng thống Ukraine Zelensky muốn bà Harris giành chiến thắng "rất nhiều" bởi vì, miễn là đảng Dân chủ vẫn nắm quyền, nhà lãnh đạo Ukraine sẽ mang về đất nước mình 60 tỷ USD mỗi lần đến Mỹ.