Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Đường lên Điện Biên”, trưng bày 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, áp phích của 34 tác giả, được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1949 đến năm 2009.
Đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc vàng son của lịch sử Việt Nam, luôn là niềm hứng khởi cho các thế hệ nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm mỹ thuật của mình. Những tác phẩm được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm đã khắc họa được toàn bộ hoạt động của Chiến dịch Điện Biên Phủ từ công tác chuẩn bị đến diễn biến chiến dịch và cho đến ngày chiến thắng.
Tác phẩm “Cả nước ra trận” của nghệ sĩ điêu khắc Lưu Danh Thanh. Ảnh: Thu Huyền |
Được trưng bày tại vị trí trung tâm của phòng triển lãm, tác phẩm “Cả nước ra trận” của nghệ sĩ điêu khắc Lưu Danh Thanh để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Với chất liệu bằng đồng, tác phẩm thể hiện hình ảnh người dân công hỏa tuyến đang gồng mình đẩy chiếc xe thồ chở lúa gạo lên tiền tuyến với ý chí và sự quyết tâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cho biết, điểm khác biệt của tác phẩm “Cả nước ra trận” so với các tác phẩm khác là nói về công tác hậu cần phục vụ chiến đấu. “Xe đạp thời đó là tài sản lớn nhất trong gia đình, người dân sẵn sàng mang xe đạp để đóng góp cho kháng chiến, giành chiến thắng cho nước nhà. Đó là sự hy sinh rất lớn và là cảm hứng để tôi sáng tác tác phẩm”, ông Thanh chia sẻ.
Tác phẩm sơn mài “Điện Biên năm ấy” của họa sĩ Cao Trọng Thiềm khắc họa chân thực hình ảnh những người chiến sĩ chiến đấu trên tiền tuyến. Ảnh: Thu Huyền |
Tác phẩm sơn mài “Điện Biên năm ấy” của họa sĩ Cao Trọng Thiềm cũng là một trong những tác phẩm khắc họa sâu sắc và tái hiện sinh động nhất về trận đánh hào hùng, oanh liệt năm xưa. Chiến dịch Điện Biên Phủ trong tác phẩm hiện ra với địa hình lòng chảo Mường Thanh, một thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, bốn về là núi đồi trùng trùng điệp điệp.
Sử dụng chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam với những gam màu cơ bản của nghệ thuật sơn mài như màu son, màu trứng, màu cánh gián và vàng, tác giả đã tạo nên một không gian bừng sáng, rực rỡ ánh hào quang.
Hình ảnh những người chiến sĩ pháo binh đang khẩn trương hướng nòng pháo về cứ điểm của địch, nữ dân công tải đạn gấp rút chuẩn bị hỏa lực cho cuộc tổng tấn công, phía sau là chiến sĩ đang truyền tin qua máy phát tín hiệu… Tất cả hiện lên vô cùng sống động, thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Cuộc sống quân dân bình dị, ấm áp nơi chiến trường được họa sĩ Mai Văn Hiến tái hiện trong bức tranh sơn dầu “Tiếng hát mùa chiến dịch”. Ảnh: Thu Huyền |
Họa sĩ Mai Văn Hiến có nhiều năm công tác trong quân đội và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Những tác phẩm của ông chủ yếu là chất liệu sơn dầu về hình tượng Bác Hồ, bộ đội, về tình quân dân, đặc biệt là về những năm tháng kháng chiến chống Pháp với bút pháp hiện thực đơn giản và tinh tế, hóm hỉnh và đầy tinh thần lạc quan cách mạng, bình dị và sâu sắc, tạo được phong cách riêng.
Qua các tác phẩm “Tiếng hát mùa chiến dịch” của ông, công chúng có thể thấy được hình ảnh những người lính trẻ mang tâm hồn lãng mạn, nhiệt huyết đến với cuộc kháng chiến chỉ bằng một vũ khí duy nhất, đó là lòng yêu nước, tinh thần lạc quan, một lòng hướng về ngày chiến thắng.
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tác tác phẩm “Cả nước ra trận”. Ảnh: Thu Huyền |
Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, khác với những tài liệu, hiện vật của các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch được trưng bày tại triển lãm vừa qua của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, những tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hôm nay đến từ những họa sĩ, nhà điêu khắc trực tiếp tham gia chiến dịch cũng như các họa sĩ về sau sáng tác nhân dịch 50 năm, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Những tác phẩm này đã khái quát lên được toàn bộ hoạt động của chiến dịch Điện Biên Phủ từ công tác chuẩn bị đến diễn biến chiến dịch, cho đến ngày chiến thắng”, Đại tá Đinh Xuân Hào chia sẻ.
Người dân, du khách khách đặc biệt ấn tượng trước các tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Thu Huyền |
“Những tác phẩm này đã khái quát lên được toàn bộ hoạt động của chiến dịch Điện Biên Phủ từ công tác chuẩn bị đến diễn biến chiến dịch, cho đến ngày chiến thắng”, Đại tá Đinh Xuân Hào chia sẻ.