Cận cảnh trận địa oanh liệt nhất chiến trường Điện Biên Phủ - Đồi A1 "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt": Chạm vào dòng chảy của lịch sử dân tộc |
Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” với hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày, giới thiệu đến công chúng như một sự tri ân đối với những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các vị anh hùng dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đang diễn ra tại 4 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Thu Huyền |
Triển lãm giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật, tài liệu quý được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà nước. Trong số đó, nổi bật là hình ảnh chiếc xe đạp thồ, một “vũ khí đặc biệt” được dân công sử dụng để vận chuyển lương thực, thuốc men phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những chiếc xe đạp thồ được sử dụng trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là do người Pháp sản xuất và đem theo sang Việt Nam. Nhờ sự thông minh và sức sáng tạo tuyệt vời, lực lượng dân công hoả tuyến đã cải tiến chiếc xe thành phương tiện vận tải cơ động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Xe đạp thồ sau khi cải tiến đã có thêm nhiều bộ phận “kỳ dị” mà đặc biệt hữu dụng như: Tay ngai, tay phanh, khung phụ, lốp thép, nan hoa, phụ tùng bằng tre… nhằm tăng thêm sức thồ trên những đoạn đường mòn giữa núi rừng hiểm trở mà ô tô không đi được.
Xe đạp thồ huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Huyền |
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia kháng chiến. Để đưa quân nhu đến tiền tuyến, dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội và mỗi trung đội có từ 30 đến 40 xe.
Ban đầu, mỗi xe chỉ chở được trọng tải từ 80 - 100kg, và sau nhiều lần cải tạo, trọng tải trung bình đã lên đến từ 80 - 213kg. Trong đó, “kiện tướng xe thồ” ông Ma Văn Thắng (Phú Thọ) đã lập kỷ lục vận chuyển lên đến 325kg trên một chuyến.
Với sự quyết tâm của toàn quân và toàn dân ta, chiến dịch Điện Biên Phủ ghi nhận có trên 260 nghìn dân công của cả nước tham gia chiến dịch, với hơn 33 nghìn lượt dân công hỏa tuyến, cùng gần 21 nghìn chiếc xe đạp thồ đã vận tải cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vật chất đến tiền tuyến, trong đó gồm gần 15 nghìn tấn gạo, 3.000 tấn vũ khí đạn và dầu, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và hơn 170 tấn vật chất khác.
Quân đoàn xe đạp thồ trên chiến trường Điện Biên Phủ là một sự phi thường chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Những chiếc xe đạp này là biểu tượng cho tinh thần và ý chí quyết tâm không gì lay chuyển được của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Xe đạp thồ được các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu tại triển lãm. Ảnh: Thu Huyền |
Em Nguyễn Quang Nguyên - sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, câu chuyện về xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được bà ngoại trước đây là một dân công sử dụng xe đạp thồ để đưa vật liệu, lương thực, thực phẩm lên chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại.
"Ngày xưa bà ngoại tôi chỉ khoảng 30kg, nhưng với chiếc xe đạp Thống Nhất được Nhà nước cấp đã cải tiến thành chiếc xe đạp thồ bà có thể chở được từ 6 - 7 bao quân nhu, trọng tải khoảng 200 - 300kg. Tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng các cụ có thể chở được những chuyến hàng gấp cả chục lần cân nặng của mình ra chiến trường trên con đường đồi núi, mưa bom bão đạn như vậy” - em Nguyễn Quang Nguyên bày tỏ.
Những dụng cụ thô sơ được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Huyền |
Chị Vân Anh (Hà Nội) cũng bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào đối với sự quật cường của các chiến sĩ cách mạng khi đến với triển lãm. Chị cho biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Việt Minh ta phải vận chuyển tới hơn 15 nghìn tấn gạo với khoảng cách từ 200 - 300km bằng các phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, và việc vận chuyển dựa hoàn toàn vào sức người.
Trước đây, chị Vân Anh chia sẻ vẫn chưa hình dung được một người dùng xe đạp thồ có thể chuyển được bao nhiêu gạo, cho đến khi được tận mắt thấy tại triển lãm mới hiểu được ông cha ta đã từng vất vả, cực khổ như thế nào để đưa được hàng trăm cân gạo đến với tiền tuyến. Đặc biệt là với địa hình lòng chảo vô cùng khó đi của Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là một trận quyết chiến chiến lược, trận đánh “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”. Ảnh: Thu Huyền |
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1954.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là một trận quyết chiến chiến lược, trận đánh “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa, song giá trị và sức sống của sự kiện thì mãi trường tồn với thời gian. Vì vậy, được chứng kiến hình ảnh, tư liệu tại triển lãm, chị Thanh Tuyền (Tây Ninh) chia sẻ về sự cần thiết trong việc bồi dưỡng tình yêu lịch sử nước nhà đối với thế hệ trẻ.
"Là một người có niềm yêu thích đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử, tôi mong rằng thế hệ trẻ ngày nay vẫn có được sự hứng thú đối với lịch sử nước nhà. Bởi thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, tất yếu phải có lòng nồng nàn yêu nước và niềm tự hào dân tộc sâu sắc, gắn liền với sự phát triển về trình độ học vấn cùng năng lực thực tiễn"- chị Tuyền nói.