Một số diễn biến liên quan
Mỹ can dự vào xung đột Ukraine sẽ là “thảm họa” cho châu Âu. Ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, việc lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc không chỉ đối với người dân nước này mà còn đối với toàn bộ châu Âu.
“Tổng thống Biden đã nói rõ ngay từ đầu rằng, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3. Và chúng tôi cũng không tìm kiếm một cuộc chiến với Nga. Mỹ đã nói nhiều lần, việc leo thang xung đột sẽ là điều khủng khiếp không chỉ đối với người dân Ukraine mà còn có khả năng gây ra hậu quả thảm khốc cho châu Âu”, đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo phía Nga, việc Washington cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev là sự xác nhận thêm về việc can dự trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nhấn mạnh, những nguồn cung cấp này sẽ không làm thay đổi kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt; Nga vẫn sẽ giành chiến thắng.
NATO có thể từ bỏ ý tưởng lập quỹ 5 năm để giúp Ukraine. Tờ Bloomberg đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có thể từ bỏ kế hoạch thành lập quỹ viện trợ trị giá 100 tỷ euro cho Ukraine bằng cách sử dụng sự đóng góp từ các nước liên minh trong 5 năm tới.
Theo đó, đề xuất mới có thể nhận được sự hỗ trợ trong cuộc họp của những người đứng đầu cơ quan quốc phòng NATO tại Brussels vào tuần tới, quy định tổng chi phí của các quốc gia liên minh để giúp chính quyền Ukraine lên tới 40 tỷ euro mỗi năm.
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các đồng minh NATO tránh bất kỳ sự phối hợp hỗ trợ nào “tạo ấn tượng về sự tham gia tích cực hơn của liên minh trong cuộc xung đột”.
Được biết, đề xuất mới ngụ ý rằng tỷ lệ đóng góp từ một quốc gia cụ thể sẽ phụ thuộc vào quy mô GDP. Dữ liệu về tổng chi tiêu có thể sẽ được công bố trong báo cáo thường niên. Khoản đóng góp của Mỹ dự kiến sẽ bằng một nửa số tiền nêu trên, phần còn lại sẽ được phân bổ cho các quốc gia khác trong liên minh.
Bloomberg cho biết, đề xuất trên nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa các thành viên NATO. Tuy nhiên, Hungary khẳng định có khả năng từ chối tăng mức hỗ trợ cho Ukraine.
Điện Kremlin coi tuyên bố của Tổng thống Macron về Ukraine là khiêu khích. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron về việc ông sẵn sàng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine là khiêu khích và gây leo thang căng thẳng.
“Ông Macron thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối đối với Ukraine và tuyên bố sẵn sàng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Pháp là thành viên NATO, thành viên của EU, một quốc gia lớn ở châu Âu, chúng tôi coi những tuyên bố này là rất khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng trên lục địa và không đóng góp gì cho dù tích cực đến đâu”, ông Peskov nhấn mạnh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã xác nhận thông tin Pháp chuẩn bị đưa quân tới Ukraine.
Phương Tây đang tiến đến điểm không thể quay lại trong cuộc xung đột Ukraine. Ảnh: RIA Novosti |
“Đã có thông tin xác nhận rằng Pháp đang chuẩn bị đưa quân tới Ukraine. Tôi muốn chỉ ra, chúng tôi đã công bố những báo cáo này từ hôm 3/4. Mặc dù Paris đang cố che giấu quân đội chuyên nghiệp của họ có liên quan đến cuộc xung đột, nhưng Kiev lại đang cố tình thúc đẩy những diễn biến này để một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế”, bà Zakharova tuyên bố.
Theo bà Zakharova, giờ đây, Điện Elysee nên bình luận về thông tin này thay vì trốn tránh bằng những lời lẽ mơ hồ.
Phương Tây đang tiến đến điểm không thể quay lại trong cuộc xung đột Ukraine. Theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban, các nước phương Tây đã tiến gần đến điểm không thể quay lại trong cuộc xung đột ở Ukraine, điều này có thể dẫn họ đến một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.
Ghi nhận sự leo thang nguy hiểm của cuộc xung đột Ukraine, Thủ tướng Hungary cho biết: “Những tuyên bố hiếu chiến của lãnh đạo các nước Liên minh châu u và NATO, đặc biệt là việc Tổng thống Pháp đe dọa gửi máy bay quân sự sang Ukraine”.
Đồng thời, ông Orban lưu ý, Nga cũng đưa ra những tuyên bố cực kỳ gay gắt đối với Mỹ và các đồng minh.
Theo Thủ tướng Hungary, mối đe dọa về cuộc chiến tranh thế giới mới đang gia tăng.
“Đây là trường hợp khi cuộc xung đột bắt đầu ở Ukraine. Những người ủng hộ chiến sự đã biến nó thành cuộc xung đột ở châu u và bây giờ nó đã vượt ra ngoài lục địa và lan sang các nước khác”, ông Orban nói.
Bên cạnh đó, ông Orban khẳng định, Hungary sẽ không để mình bị lôi kéo vào cuộc xung đột Ukraine và sẽ không tham gia vào nhiệm vụ có thể có của NATO trên lãnh thổ nước láng giềng.
“NATO là một liên minh phòng thủ, vì vậy không ai có thể ép buộc chúng tôi tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ NATO và chúng tôi không nên trả tiền cho việc đó. NATO yêu cầu các quốc gia thành viên chi 45 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng Hungary phản đối”, Thủ tướng Orban nhấn mạnh.