Mỹ cam kết ngăn chặn xung đột toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Washington đang tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu.
Ông Blinken đã được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về phản ứng có thể có của Moscow đối với việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công vào Nga.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ hậu thuẫn đang “bị thách thức nhưng vẫn mạnh mẽ, bằng chứng là những nỗ lực của phương Tây nhằm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, chúng tôi muốn làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cuộc chiến thứ ba”, ông Blinken nhấn mạnh.
Nhiều người dân Đức lo ngại xung đột ở Ukraine leo thang. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận, nhiều người dân nước này lo ngại về sự leo thang xung đột ở Ukraine.
“Nhiều người dân lo ngại leo thang có thể xảy ra, an ninh và hòa bình đất nước cũng sẽ bị đe dọa. Theo tôi việc duy trì hòa bình nên là ưu tiên hàng đầu”, ông Scholz nói.
Theo Thủ tướng Scholz: “Lo lắng về thế giới bất ổn không phải là điều gì đó ngây thơ hay xấu xa. Những mối quan tâm của người dân là điều cần được tôn trọng và xem xét nghiêm túc”.
“Với tư cách là thủ tướng, tôi có trách nhiệm đảm bảo không có đứa trẻ nào sinh ra ở Đức phải đối mặt với chiến tranh”, ông Scholz khẳng định.
Đồng thời, Thủ tướng Đức chỉ ra rằng, “đảm bảo hòa bình không có nghĩa là giương cờ trắng hay đầu hàng bạo lực và vô luật pháp”.
“Chúng tôi sẽ không cho phép tái diễn chiến tranh như một phương tiện chính trị”, ông Scholz nhấn mạnh.
Ông Biden: Khó có khả năng phương Tây bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, quyết định cho phép lực lượng vũ trang Ukraine tấn công lãnh thổ Nga khó có thể dẫn đến việc phương Tây bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Moscow. “Về mặt lý thuyết thì có thể, nhưng khó có thể xảy ra”, ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn với ABC News.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 31/5 xác nhận Tổng thống đã đồng ý cho phép Ukraine tấn công bằng vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Nga. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, “chúng ta chỉ đang nói về các cuộc tấn công vào khu vực của Nga gần Kharkov”. Đồng thời, ông không loại trừ khả năng phạm vi tấn công bằng vũ khí Mỹ vào lãnh thổ Nga sẽ tăng lên.
Pháp sẽ cử giảng viên quân sự tới Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1 và France 2, Pháp dự định đào tạo 4,5 nghìn binh sĩ Ukraine và cung cấp vũ khí cho họ, sau đó sẽ cử giảng viên quân sự đến Ukraine.
“Chúng tôi đề xuất đào tạo cho 4,5 nghìn binh sĩ Ukraine, trang bị, huấn luyện và cung cấp cho họ đạn dược và vũ khí cần thiết. Các giảng viên quân sự người Pháp sẽ có mặt trên đất Ukraine”, ông Macron nói.
Pháp tuyên bố sẽ cử giảng viên quân sự tới Ukraine. Ảnh: RIA Novosti |
Tổng thống Pháp nói thêm: “Đây có phải là một yếu tố leo thang xung đột không? Không. Giảng viên quân sự sẽ ở khu vực phía Tây, đó là khu vực tự do của Ukraine, chúng tôi không gây hấn với Nga”.
Hungary kêu gọi đàm phán ngay lập tức về Ukraine. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, các cuộc đàm phán về Ukraine nên bắt đầu ngay bây giờ.
“Quan điểm của chúng tôi là hòa bình phải được diễn ra càng sớm càng tốt. Các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine phải bắt đầu và phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Nếu cuộc chiến này tiếp diễn, nguy cơ leo thang sẽ tăng lên mỗi ngày. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các bên hãy ngừng bắn và chấm dứt cuộc chiến này, bởi vì nếu chiến sự tiếp tục, chúng ta đang tiến gần hơn mỗi ngày đến nguy cơ leo thang”, ông Szijjarto nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF).
“Rõ ràng là cuộc chiến không thể giải quyết bằng vũ khí. Trên chiến trường chỉ có tổn thất và sự tàn phá. Vì vậy, cuộc chiến này phải kết thúc bằng đàm phán”, ông Szijjarto nhấn mạnh.