Hé lộ thời gian chấm dứt xung đột ở Ukraine. Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông Michael O'Hanlon cho rằng, Nga và Mỹ sẽ tìm cách giải quyết xung đột ở Ukraine vào năm 2025, sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.
“Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra cách nào đó để kết thúc cuộc chiến này vào năm 2025. Và điều đó sẽ đòi hỏi động thái từ Nga và Mỹ với mức độ hợp tác nhất định hoặc ít nhất là liên lạc và từ một hoặc nhiều bên sẽ đưa ra sự thỏa hiệp”, ông O'Hanlon bình luận về những phát biểu của Tổng thống Putin thời gian gần đây.
Tổng thống Putin trước đó cho biết, sau cuộc bầu cử ở Mỹ, chính sách của nước này đối với Moscow sẽ không thay đổi. “Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng sẽ không có gì nghiêm trọng xảy ra”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Theo ông, Nga “nói chung, không quan tâm ai sẽ vào Nhà Trắng”. Ông Putin nhấn mạnh, Nga sẽ làm việc với bất kỳ tổng thống nào do người dân Mỹ bầu ra.
Ukraine muốn lôi kéo càng nhiều quốc gia vào xung đột càng tốt. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Mandiner, Ukraine đang cố gắng lôi kéo càng nhiều nước càng tốt vào cuộc xung đột với Nga, nhưng điều này không đáp ứng được lợi ích của châu Âu và toàn thế giới.
“Người Ukraine tin rằng càng có nhiều quốc gia tham gia vào cuộc chiến với Nga thì cơ hội chiến thắng càng lớn, vì vậy họ sẵn sàng lôi kéo Liên minh châu Âu và thậm chí cả thế giới vào cuộc chiến”, ông Orban cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Orban lưu ý, cách tiếp cận như vậy có vẻ hợp lý theo quan điểm của Ukraine, nhưng Hungary muốn tránh xa chiến tranh vì nó đi ngược lại lợi ích quốc gia. Đồng thời, ông cảnh báo: “Tôi nghĩ chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn chiến sự lan rộng. Khi một cuộc đại chiến nổ ra ở châu Âu, tất cả chúng ta sẽ gặp nguy hiểm”.
Tình hình Ukraine thay đổi nhờ nguồn cung vũ khí của Mỹ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, vũ khí của Mỹ đang đến Ukraine và làm thay đổi tình hình chiến trường có xu hướng tiêu cực đối với Kiev.
“Chúng tôi đã chứng kiến vũ khí Mỹ xuất hiện trên chiến trường trong những ngày và tuần gần đây, điều này đang tạo ra sự khác biệt”, ông Sullivan nói.
Tuy nhiên, theo ông Sullivan, “Ukraine đang gặp rắc rối vì sự chậm trễ trong việc gửi viện trợ của Mỹ”.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Washington hy vọng động thái này sẽ tiếp tục đến mức lực lượng vũ trang Ukraine không chỉ có thể giữ vững khả năng phòng thủ mà còn có thể phản công.
Ukraine cập nhật tình hình tiền tuyến. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky cho rằng, quân đội nước này có cơ hội thay đổi tình trạng khó khăn ở tiền tuyến.
"Tình hình ở mặt trận phía đông vẫn rất khó khăn. Tuy vậy, quân đội Ukraine đang làm mọi thứ có thể để biến khó khăn thành lợi thế. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là ngăn chặn đà tiến của đối thủ, đồng thời buộc họ phải quay sang phòng thủ", ông Syrsky cho hay.
Theo Tổng tư lệnh Ukraine, các cuộc giao tranh khốc liệt đang nổ ra ở Vovchansk và Kupiansk, hai khu định cư có vị trí chiến lược ở vùng Kharkiv. "Chúng tôi đang cầm chân và cố gắng gây ra tổn thất tối đa cho Nga ở Vovchansk. Đây là tiền đề để giành lại phần lãnh thổ đã mất", ông Syrsky nhấn mạnh.
Tình hình Ukraine thay đổi nhờ nguồn cung vũ khí của Mỹ. Ảnh: RIA Novosti |
Ngoài Kharkiv, Nga cũng đang gia tăng áp lực trên mọi khu vực dọc theo tiền tuyến. "Đối phương đang muốn chúng ta chia nhỏ lực lượng trên mọi mặt trận nhằm tạo cơ hội xuyên thủng các tuyến phòng thủ", Tổng tư lệnh Ukraine nói thêm.
Cựu đại tá của NATO cảnh báo mối đe dọa từ việc cung cấp vũ khí cho phương Tây. Ông Ralph Thiele, cựu đại tá Đức, từng phục vụ trong Ban Kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Văn phòng Tư nhân của Bộ Tư lệnh Tối cao NATO nhận định, việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine mà không có chiến lược rõ ràng sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với phương Tây và việc cho phép các cuộc tấn công bằng vũ khí của phương Tây vào lãnh thổ Nga sẽ không gây ra hậu quả đáng kể.
Ông Thiele lưu ý, một số chính trị gia và phương tiện truyền thông phương Tây trong bối cảnh xung đột Ukraine đang thúc đẩy việc sử dụng vũ khí, quân đội và máy bay mà không có sự phản ánh đầy đủ. Theo chuyên gia này, cách tiếp cận như vậy tiềm ẩn rủi ro lớn do năng lực phòng thủ của các nước NATO không đủ. Vì việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine có thể trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với phương Tây.
“Đức không có con át chủ bài giống như NATO, bởi vì ngoài Mỹ, Đức thực tế không có khả năng quân sự đáng kể nào”, cựu đại tá Đức nhấn mạnh.
Theo ông Thiele, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và tổ hợp công nghiệp-quân sự của các nước phương Tây, làm cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược của họ. Đồng thời, ông Thiele cho rằng, đối với Nga, với sức mạnh quân sự của mình, việc cho phép sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trên lãnh thổ Nga không gây ra hậu quả đáng kể và sẽ không thể xoay chuyển tình thế trên chiến trường.
Mỹ cảnh báo về chính sách nhập ngũ của Ukraine. Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine mới đây cảnh báo công dân có song tịch Mỹ-Ukraine không nên tới quốc gia Đông Âu sau khi Ukraine sửa luật nhập ngũ.
Theo đó, Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo nam giới trong độ tuổi 18-60 mang song tịch Mỹ-Ukraine không tới quốc gia Đông Âu, bởi Kiev có thể gọi nhập ngũ với nhóm này.
"Trước đây, bạn vẫn có thể xuất cảnh nếu dùng hộ chiếu Mỹ. Tuy vậy, các ngoại lệ đã bị bãi bỏ từ ngày 1/6. Nếu bạn mang song tịch Mỹ-Ukraine và đang ở đây, hãy ở tại chỗ và tuân theo mọi chỉ dẫn của chính quyền địa phương. Nếu bạn đang không ở Ukraine, chúng tôi khuyến nghị bạn không tới đây", Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cho hay.