Xây dựng thị trường điện cạnh tranh minh bạch Thị trường điện cạnh tranh được gì sau 10 năm vận hành? |
Những ai theo dõi thông tin thường xuyên về ngành điện sẽ thấy, trước đây, chỉ có duy nhất các Công ty/Tổng công ty Điện lực miền thực hiện đầu tư, sản xuất, quản lý vận hành, phân phối buôn bán điện nhưng kể từ 2005, việc độc quyền đã không còn bằng việc xây dựng và thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh theo 3 giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn 1: Thị trường phát điện cạnh tranh (cuối năm 2014); Giai đoạn 2: Thực hiện thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2016); Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn toàn (2017-2021)
Và giai đoạn 3 sẽ thực hiện: Thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (2021-2023); Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn toàn (sau năm 2023).
Và đến nay, thị trường điện cạnh tranh đã đảm bảo đúng tiến độ với sự điều hành, giám sát trực tiếp của Bộ Công Thương.
Cụ thể, nếu như trong cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh (2012 đến hết năm 2018), các nhà máy điện chào giá cạnh tranh hàng ngày để bán điện cho đơn vị mua buôn điện duy nhất (là Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN), thì trong giai đoạn thị trường bán buôn điện hiện nay, ngoài EVN đã có thêm 05 Tổng công ty Điện lực tham gia mua điện từ thị trường điện. Do vậy, EVN không còn là đơn vị độc quyền trong khâu mua buôn sản lượng điện năng do các nhà máy điện sản xuất lên lưới điện quốc gia.
Thực tế, trên thị trường điện Việt Nam đã có nhiều nhà đầu tư khác tham gia, với cơ cấu nguồn ngày càng tăng lên. Vì thế, EVN đã không còn độc quyền về nguồn và lưới như trước đây, ngoại trừ hệ thống lưới điện truyền tải theo quy định của Thủ tướng Chính phủ vì có liên quan đến an ninh năng lượng quốc giá.
Cụ thể, nguồn điện của EVN từ chỗ 100% đến nay đã giảm xuống còn 58 %, số còn lại là của các doanh nghiệp khác chiếm 42%. Như vậy, hàng năm EVN phải trả tiền mua điện (nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, điện khí…) từ các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Điện lực dầu khí, Tổng công ty Điện lực than khoáng sản; các nhà máy nhiệt điện BOT và hàng trăm doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện nhỏ và vừa; nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời.
Cơ cấu nguồn điện theo chủ sở hữu (số liệu tham khảo năm 2020) |
Sắp tới, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ được chuyển đổi từ đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN thành đơn vị hạch toán độc lập trong EVN: nhằm mục tiêu từng bước nâng cao tính độc lập của đơn vị này. Hiện nay, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang hoàn thiện Đề án chuyển đổi A0 thành Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên theo các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Trở lại với thị trường bán lẻ điện. Thực tế, trong cả giai đoạn dài, ở nhiều nơi đã hình thành các hợp tác xã bán lẻ. EVN chỉ bán buôn đến các hợp tác xã và phần quản lý vận hành đường dây và bán lẻ điện sẽ do các công ty/hợp tác xã thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, đã xảy ra nhiều vướng mắc tồn tại, người dân nông thôn phải mua điện giá cao, chất lượng điện yếu dẫn đến có phong trào yêu cầu ngành điện (EVN) tiếp nhận lại lưới điện hạ áp nông thôn để quản lý.
Đối với các hợp tác xã điện lực, trong các năm trước đây, mô hình này là nhằm huy động nguồn vốn xã hội hoá để mở rộng mạng lưới điện đến các vùng nông thôn, nâng cao khả năng tiếp cận điện năng của người dân.
Về bản chất, các hợp tác xã điện lực (hay các công ty phân phối bán lẻ điện tư nhân) vừa đầu tư/vận hành lưới phân phối vừa độc quyền bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu vực do đơn vị quản lý – do vậy khách hàng sử dụng điện chưa được quyền lựa chọn đơn vị bán điện cho mình. Trong mô hình thị trường bán lẻ điện mà chúng ta đang hướng tới, các hoạt động/chi phí phân phối điện sẽ được tách bạch riêng, hình thành rõ ràng về giá dịch vụ phân phối điện. Khi đó, nhiều đơn vị bán lẻ điện sẽ cạnh tranh để bán điện cho khách hàng trong cùng khu vực thông qua việc thuê sử dụng lưới phân phối điện”.
Trong khi đó, đối với Thị trường điện cạnh tranh (cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ), Bộ Công Thương đã ban hành Thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, làm cơ sở để chuẩn bị cho các bước phát triển của thị trường bán lẻ điện tại Việt Nam. Theo đó, phạm vi của thị trường bán lẻ điện chủ yếu tập trung vào các giao dịch mua bán điện giữa đơn vị mua buôn bán lẻ điện với các khách hàng sử dụng điện thông qua lưới phân phối điện (cấp điện áp từ 110 kV trở xuống). Đây là sẽ là phân khúc thị trường tồn tại song song và tiếp nối các giao dịch trên thị trường bán buôn điện (thông qua lưới truyền tải điện).
Trong thị trường bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện sẽ thoả thuận, thống nhất về giá điện. Nhà nước chỉ quy định về biểu giá điện đối với các đối tượng khách hàng không tham gia mua điện trên thị trường. Đơn vị quản lý lưới phân phối điện sẽ đóng vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện cho các bên tham gia thị trường (đơn vị bán lẻ, khách hàng sử dụng điện.
Lưới điện truyền tải Việt Nam đã phủ kín khắp các vùng miền (Ảnh minh hoạ) |
Để triển khai thị trường bán lẻ điện, cần hoàn thiện một loạt các điều kiện tiên quyết. Trong đó, cấp thiết nhất là phải tách bạch hoạt động/chi phí khâu phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) và khâu kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh). Cần sửa đổi Luật Điện lực, Luật Giá để hoàn thiện các quy định về giá phân phối điện, cũng như các văn bản hướng dẫn dưới luật để có cơ sở pháp lý định giá phân phối điện áp dụng cho các đơn vị sử dụng dịch vụ lưới điện phân phối.
Ngoài ra, cần thiết phải thực hiện cải cách giá điện theo lộ trình để chuyển đổi sang thị trường bán lẻ điện, đảm bảo thực hiện giá điện minh bạch, xác định theo nguyên tắc thị trường, nhằm phản ánh đúng và đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ. Đồng thời cần phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các cơ chế bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, chính sách hỗ trợ giá bán lẻ điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách…
Thị trường điện Việt Nam đang vận hành đúng lộ trình (Ảnh minh hoạ) |
Liên quan đến Tập đoàn EVN - giữ vai trò chính trong việc cung cấp điện, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng nguồn và lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, ngành điện đã có nhiều cải tiến, thay đổi mình để thích ứng với thị trường cạnh tranh từ việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy; đào tạo bồi dưỡng cán bộ; xây dựng văn hoá doanh nghiệp; thoái vốn ngoài ngành; nâng cấp đầu tư hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế; nghiên cứu, mở rộng nhiều dịch vụ khách hàng; Tổ chức tri ân; đánh giá chấm điểm cung cách phục vụ, độ hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, EVN cũng đã thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều chương trình hỗ trợ các huyện nghèo; đóng góp các quỹ và tổ chức hoạt động an sinh xã hội.
Nói như vậy để thấy rằng thị trường điện ở nước ta đã hình thành và đang hoàn thiện; cơ cấu nguồn điện của EVN không còn độc quyền; giá điện thực hiện theo quy định của pháp luật; cung cách phục vụ của ngành điện cũng đã được cải tiến khá nhiều. Việc điều chỉnh giá điện là phù hợp với quy luật thị trường điện cạnh tranh để giảm áp lực cho ngành điện, Nhà nước; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tư nhân; góp phần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…