Doanh nghiệp ngoại thi nhau mở điểm bán, bức tranh thị trường bán lẻ nội cuối năm 2024 ra sao? Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024 |
Cần tạo dựng môi trường cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp
Chiều 4/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển thương mại trong nước năm 2024. Phiên thảo luận Chính sách phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ Diễn đàn.
Nêu quan điểm tại diễn đàn, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, kinh nghiệm sau những lần đàm phán các khung khổ hội nhập cho thấy, đàm phán trong lĩnh vực bán lẻ là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến vấn đề thị trường, thị phần bán lẻ, từ đó liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.
Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển thương mại trong nước 2024 |
Sau đại dịch Covid-19, đất nước cần giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, trong đó động lực phục hồi tập trung vào 3 trụ cột chính là thị trường nội địa, đầu tư, xuất khẩu. Cho nên lúc này, điều quan trọng là cần kích thích phục hồi kinh tế, đồng thời nỗ lực hoàn thành mục tiêu 5 năm tăng trưởng liên tục của nền kinh tế.
Đối với thị trường bán lẻ, Việt Nam hiện có tiềm năng lớn khi người tiêu dùng tập trung lớn vào tầng lớp trung lưu mới nổi, người tiêu dùng trẻ, đối tượng có nhu cầu cao về sản phẩm, hàng hoá.
“Đối với thị trường bán lẻ, tôi cho rằng, trái tim của thị trường là cạnh tranh. Cho nên chính sách cần hoàn thiện và thực thi đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, làm sao xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển” – TS Võ Trí Thành nêu quan điểm. Song song với đó, các chính sách phải làm sao cân bằng quyền lợi của doanh nghiệp cung ứng, nhà phân phối, đặc biệt là của người tiêu dùng. Đây là thách thức rất lớn.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, kinh nghiệm từ khi làm Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Hà Nội là địa phương có khả năng phát triển hạ tầng bán lẻ rất mạnh. Các hệ thống bán lẻ nước ngoài, trong nước đều hiện hữu trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong khi đó, quan điểm từ Chính phủ đến Bộ Công Thương, đến các địa phương, trong đó có Hà Nội là phải làm sao phát triển các hệ thống phân phối trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Để đảm bảo quyền lợi và sự cạnh tranh trên thị trường, khi nhà đầu tư nước ngoài mở điểm bán tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều phải thực hiện ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế). Đây được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật áp dụng với các “đại gia” bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước vốn còn non trẻ.
Song song với đó, việc phát triển hệ thống bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian qua cũng đã tạo nên sự cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp bán lẻ nội vươn lên, làm mới mình, cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và doanh nghiệp bán lẻ trong nước đều có sự tăng trưởng rất tốt trên địa bàn Thủ đô.
“Sau này, khi có các Quy hoạch địa phương, mạng lưới hệ thống bán lẻ cũng sẽ được tính toán rất kỹ trên cơ sở quy hoạch vùng, địa phương. Về lâu dài, ENT sẽ bỏ, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, góp phần phát triển tốt hệ thống bán lẻ trên địa bàn cả nước” – bà Trần Thị Phương Lan nêu quan điểm.
Quan tâm đến sự phát triển chợ truyền thống
Tại Diễn đàn, TS. Đinh Dũng Sỹ - chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chợ truyền thống. TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, hạ tầng thương mại gồm chợ truyền thống, các trung tâm thương mại và siêu thị.
Nhấn mạnh về hạ tầng chợ truyền thống, theo TS Đinh Dũng Sỹ, thương mại hiện đại phát triển với tỷ trọng ngày càng cao. Nhìn vào số liệu của Bộ Công Thương đưa ra thì chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ, với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 Trung tâm thương mại.
Mặc dù chợ truyền thống có thể thu hẹp theo mức độ phát triển đô thị và thương mại điện tử, song theo TS. Đinh Dũng Sỹ, tại Việt Nam chợ truyền thống vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân, do vậy cần phải đặc biệt quan tâm nhất là khía cạnh quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ của Nhà nước về khu vực của chợ truyền thống.
Đề cập đến vấn đề quy hoạch, ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, việc quy hoạch chợ truyền thống chưa được thành công, bởi gần như người tiêu dùng không đến những chợ mới mà vẫn đến những chợ cũ, thậm chí là chợ cóc.
Từ đó, ông đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không thành công trong việc quy hoạch và phát triển, tiêu chuẩn hóa các chợ truyền thống? ông cho rằng điều này là do tầm nhìn chưa chuẩn của nhà quy hoạch.
“Để có một quy hoạch và nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng Việt Nam thì người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống, đó là những việc rất đơn giản, như: sự nhanh chóng, sự thuận tiện và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Tôi có thể đi chợ truyền thống rất nhanh, rất thuận tiện, đáp ứng các nhu cầu từ lương thực, thực phẩm, quần áo… và hàng ở chợ truyền thống cũng là hàng tươi, tuy nhiên người tiêu dùng còn băn khoăn ở chỗ, chợ truyền thống dù thuận tiện, hàng hóa tươi mới, giá cả rẻ hơn so với siêu thị nhưng quan trọng là có đảm bảo an toàn hay không?” – TS. Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, cần phải có cách nhin khác về quy hoạch, xây dựng lại chợ truyền thống.
Nếu cơ cấu và tiêu chuẩn hóa được chợ truyền thống sẽ bảo vệ được quyền lợi, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng tốt hơn. Câu chuyện của chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại cũng là câu chuyện cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài, giữa bán lẻ trực tiếp và kinh doanh qua thương mại điện tử.
Hiện, thương mại điện tử đang phát triển và chắc chắn sẽ phát triển rất nhanh, nhưng người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn, lo ngại về lĩnh vực này ở các khía cạnh như: chất lượng hàng hóa, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hàng giả… Do vậy cần có giải pháp để tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử - là xu hướng giao dịch thương mại tất yếu của tương lai, nhưng người tiêu dùng vẫn gặp nhiều rủi ro từ thương mại điện tử.
Về xây dựng chính sách pháp luật, TS. Đinh Dũng Sỹ cho rằng thương mại nói chung hiện đang có “điểm nghẽn” lớn, bởi Luật Thương mại đã 20 năm chưa sửa đổi, có nhiều quy định không còn phù hợp với thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Mặc dù Luật giao dịch điện tử đã sửa năm 2023, nhưng đến nay chưa có Nghị định để hướng dẫn chi tiết ở khía cạnh thương mại điện tử.
Do vậy, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan về thương mại cần sớm có Chương trình để có thể sửa đổi Nghị định cũng như các thông tư trình Chính phủ và ban hành các văn bản liên quan đến thương mại điện tử trên cơ sở Luật giao dịch điện tử năm 2023.
Đồng quan điểm về vấn đề phát triển chợ truyền thống, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc phát triển chợ truyền thống của Việt Nam gắn chặt với văn hoá truyền thống, với du lịch. Cho nên, cần quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hoá chợ. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về văn hoá chợ để phát triển loại hình thương mại này.