Chất lượng tốt, giá cạnh tranh
Với dân số gần 100 triệu người và GDP bình quân hơn 3.500 USD/người, Việt Nam không thiếu những tín đồ thời trang chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu thậm chí nhiều hơn để mua một bộ trang phục. Do đó không phải “vô cớ” mà các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Uniqlo, CK, Zara… đều có mặt ở Việt Nam vì trong mắt họ thị trường Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua nhiều doanh nghiệp may thời trang đã đánh giá thị trường nội địa quan trọng, tạo bệ đỡ phát triển để ngành may thời trang Việt chắc chân, vươn ra thế giới và có những chiến lược bài bản để chinh phục khách hàng.
May thời trang nội địa đang được doanh nghiệp trong ngành đầu tư nhiều hơn |
Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế am hiểu người Việt, cùng kinh nghiệm làm gia công cho đối tác ngoại suốt thời gian dài, từ đó đúc kết, cho ra mắt những sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn Công ty Myone Fashion. Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty này chia sẻ rằng, Công ty Myone Fashion đã làm gia công có các nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới nhiều năm. Từ những sản phẩm Myone Fashion làm gia công, họ mang phân phối lại ở các nước khác trong đó có Việt Nam. Vì vậy công ty quá hiểu về chất lượng, giá cả của những nhãn hiệu thời trang này nên đã sản xuất những sản phẩm phù hợp với túi tiền cũng như phong cách của người Việt.
Tương tự, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thương hiệu thời trang V-Sixtyfour được sáng lập bởi ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS), cũng gia nhập thị trường. Ông Phạm Văn Việt cho biết, ngay từ khi ra mắt, thương hiệu này đặt mục tiêu cung cấp dòng sản phẩm denim chất lượng cao cấp, được điều chỉnh phù hợp nhất với chuẩn cơ thể người Việt, cùng những thiết kế cập nhật theo xu hướng mới của thế giới.
Theo ông Việt, các sản phẩm của V-Sixtyfour được làm theo công nghệ hiện đại nhất, chất lượng không hề thua kém so với các thương hiệu thời trang nổi tiếng khác trên thế giới. Tuy nhiên cái khó lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng như V-Sixtyfour hiện nay chính là chưa quảng bá mạnh mẽ để người tiêu dùng trong nước biết đến họ.
Trên thực tế, đây mới chỉ là hai trong số rất nhiều thương hiệu may thời trang Việt đang tiếp cận thị trường nội địa nhưng gặp phải một số rào cản bởi người tiêu dùng chưa biết đến. Liên quan vấn đề này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam - cho biết, đã có rất nhiều doanh nghiệp dệt may tấn công thị trường nội địa song họ lại chưa vượt qua được vấn đề như sản xuất nhanh theo mùa vụ, thiết kế đa dạng, chưa giải quyết được phần cung thiếu hụt.
Cách nào chinh phục người tiêu dùng?
Để ngành may thời trang chinh phục được người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh đại dịch còn tiếp diễn, sức cầu thị trường vẫn chưa cao đồng thời lại phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu lớn ngoại nhập như hiện nay, theo ông Vũ Đức Giang doanh nghiệp cần giải quyết một số điểm yếu nội tại. Những điểm yếu này gồm đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực của đội ngũ thiết kế thời trang. Theo đó đội ngũ này phải nhanh nhạy nắm bắt sự biến đổi theo mùa vụ, nhận diện nhãn hàng, nhận diện kiểu dáng, sản phẩm theo xu thế mới toàn cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước đang phục hồi nền kinh tế như hiện nay thì doanh nghiệp nên nhắm vào phân phúc trung bình để chiếm lĩnh và đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
“Chúng tôi dự kiến trong năm nay sẽ ra mắt những dòng sản phẩm thời trang công sở để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Về chất lượng sẽ không hề thua kém các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá cả lại thấp hơn gần 40%. Với mức cạnh tranh như vậy, chúng tôi tin người tiêu dùng sẽ đón nhận”- ông Tâm tự tin chia sẻ.
Trong khi đó các thương hiệu khác như V-Sixtyfour, Ivy Moda, Việt Tiến, May Đức Giang… đều có những chiến lược tiếp cận khách hàng thông qua ra mắt những sản phẩm phù hợp với thị hiếu, có giá cạnh tranh; đồng thời phát triển hệ thống phân phối tại các thành phố lớn, đông dân cư để nhận diện thương hiệu. Đơn cử Tổng công ty CP May Việt Tiến đang theo đuổi mục tiêu lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí cạnh tranh hàng đầu cùng với việc luôn cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường cho người tiêu dùng có thu nhập từ trung bình, khá đến cao cấp. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Việt Tiến phát triển được 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu còn chọn những ca sĩ, người mẫu nổi tiếng để mời làm đại sứ thương hiệu nhằm quảng bá, phổ cập hình ảnh rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.