Giải quyết rác thải nhựa đại dương: Cần một thỏa thuận toàn cầu Thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về nhựa trên thế giới Giải pháp cho ô nhiễm nhựa, phục hồi kinh tế xanh |
Hội thảo do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức với sự tham dự của đại diện từ 11 quốc gia thuộc Đối tác Quản lý Môi trường Biển Đông Á (PEMSEA) và các nước không phải thành viên khác, hội thảo được tổ chức như một sự kiện bên lề của Hội nghị Hội đồng Đối tác Biển Đông Á lần thứ 15.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một hiệp ước ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa đang diễn ra, hội thảo nhằm chia sẻ kết quả đầu ra, thành tựu và bài học kinh nghiệm từ dự án khu vực của UNDP-Na Uy mang tên "Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa" (EPPIC).
Ông Trương Đức Trí khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Ảnh La Duy |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng VASI cho biết: "Là quốc gia thành viên hết sức tích cực và có trách nhiệm của PEMSEA, ở cấp độ khu vực, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tham gia đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Thông qua việc chung tay xây dựng thoả thuận, Việt Nam cùng với các quốc gia sẽ thể hiện tinh thần gắn kết để cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa. Hội thảo này và Hội nghị Hội đồng đối tác các biển Đông Á lần thứ 15, là dịp để các bên rà soát các chương trình hoạt động của PEMSEA, cũng như thảo luận để đưa ra những khuyến nghị để các hoạt động hợp tác của PEMSEA ngày càng hiệu quả, đồng thời cùng nhau trao đổi để chuẩn bị tốt nhất quá trình tham gia đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa".
Tại hội thảo, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi đã nhấn mạnh vai trò nòng cốt của sự hợp tác trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đang gia tăng và mời tất cả các bên liên quan - các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, đối tác phát triển và cá nhân - tham gia hội thảo.
Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi đã nhấn mạnh vai trò nòng cốt của sự hợp tác trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Ảnh La Duy |
Bà cũng nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa: Thứ nhất, công nhận, hỗ trợ và tăng cường đóng góp của những người lao động xử lý chất thải phi chính thức vào hệ thống quản lý chất thải và xem xét cách hiệp ước toàn cầu có thể xây dựng dựa trên những đóng góp này. Lao động phi chính thức ở các quốc gia thành viên Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng trong quản lý chất thải. Phụ nữ và nam giới trong nhóm lao động phi chính thức này thường là những anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.
Thứ hai, việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đầy đủ, đặc biệt là thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo các nỗ lực được hỗ trợ đầy đủ để tạo ra những biến đổi trên thực tế".
UNDP đã và đang tích cực nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa thông qua "Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa " (EPPIC). Cuộc thi trên toàn ASEAN này do Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy tài trợ, mời các nhà đổi mới sáng tạo từ khắp khu vực chia sẻ những ý tưởng đột phá của họ để giải quyết ô nhiễm nhựa. Sáng kiến EPPIC bắt đầu vào năm 2021 tại Việt Nam và Thái Lan, sau đó triển khai thành công tại Indonesia và Philippines vào năm 2022. Năm 2023, EPPIC đã mở rộng phạm vi bao gồm Lào và Campuchia, nhấn mạnh hiệu quả của hợp tác khu vực trong việc giải quyết các thách thức về môi trường.
Hiện các quốc gia Đông Nam Á được xác định là những nước đóng góp đáng kể vào việc rò rỉ chất thải nhựa trên đất liền ra biển, khiến việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và khu vực Biển Đông trở nên cấp thiết. Hội thảo là một diễn đàn để thảo luận về những nỗ lực chung trong việc chống ô nhiễm nhựa và vạch ra con đường hướng tới một tương lai bền vững.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã cung cấp thông tin cập nhật về kết quả từ Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) để tăng cường kiến thức của các thành viên PEMSEA về các chính sách và điều khoản khác nhau đang được thảo luận theo INC và các tác động tiềm năng của chúng; trình bày các hành động, công cụ, sáng kiến và tiến bộ liên quan đến các chính sách và biện pháp quan trọng đang được thảo luận trong INC, để thúc đẩy sự tiếp thu và nâng cao quy mô của chúng trong quá trình hoạch định chính sách quốc gia và địa phương.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh La Duy |
Nội dung của hội thảo tập trung vào hai khía cạnh chính: Tạo điều kiện cho các cơ chế chuyển đổi công bằng để tăng cường công nhận những người lao động phi chính thức trong hiệp ước và huy động tài chính cho các nước đang phát triển để hỗ trợ thực hiện hiệp ước, đặc biệt nhấn mạnh vào cách các nước phát triển có thể mở rộng hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong việc thực hiện hiệp ước này.
Kinh nghiệm từ ba quốc gia, giới thiệu kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm từ Dự án EPPIC, cũng như hiểu biết sâu sắc về Việt Nam, Lào và sự chuẩn bị và đàm phán của Philippines đối với Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa được các đại biểu tham gia hội thảo chia sẻ.
Tại hội thảo, Phó Đại sứ Na Uy, Bà Mette Moglestue nói “Tôi rất vui vì Dự án EPPIC do Na Uy tài trợ đã tạo ra cơ hội để các quốc gia thành viên và không phải thành viên của PEMSEA ngồi lại với nhau, thảo luận và đóng góp vào quá trình đàm phán Hiệp ước này. Điều quan trọng là các bên tham gia phải cùng thống nhất về các biện pháp khác nhau cho toàn bộ vòng đời của nhựa, từ sản xuất, thiết kế tới quản lý chất thải. Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đó là Hiệp ước phải đặt ra những nghĩa vụ có tình ràng buộc về pháp lý để góp phần giảm thiểu hiệu quả tình trạng ô nhiễm nhựa.”
Nói về Hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa, Phó Đại sứ tiếp tục “Là nước đồng chủ trì Liên minh Tham vọng Cao chống ô nhiễm nhựa, tầm nhìn của chính phủ Na Uy là Hiệp ước này sẽ mở đường cho chuỗi giá trị nhựa bền vững hơn cũng như thúc đẩy các giải pháp trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ở mỗi quốc gia”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nhất trí về tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc chống ô nhiễm nhựa. Theo đó, một tài liệu chung đã được thống nhất, phác thảo một chiến lược hợp tác để giải quyết ô nhiễm nhựa và góp phần xây dựng Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Sáng kiến hợp tác này phản ánh tinh thần hợp tác khu vực và quyết tâm chung chống ô nhiễm nhựa vì lợi ích của khu vực Biển Đông Á và hơn thế nữa.