Trong mấy năm trở lại đây, ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra tuyên bố khu vực kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Xây dựng một cơ chế hợp tác toàn cầu hiệu quả để tạo động lực và gắn kết hành động của các quốc gia cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong “Sáng kiến không rác thải nhựa trong thiên nhiên - No Plastic in Nature Initiatives” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF); trong đó WWF đặt mục tiêu hỗ trợ các quốc gia, khu vực để “Thiết lập một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý để các quốc gia cùng chung sức chấm dứt ô nhiễm nhựa”.
Hệ sinh thái môi trường biển đang bị hủy hoại bởi rác thải nhựa |
Trong khi chờ một thỏa thuận toàn cầu thì hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành những chính sách và dành các nguồn lực tài chính nhất định để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, chỉ riêng năm 2018 tổng số tiền ước tính mà UNDP dành cho ngăn ngừa và dọn rác thải nhựa đại dương là hơn 1,3 tỷ USD, trong đó 800 triệu USD (khoảng 62%) từ các nguồn công ích và 490 triệu USD (khoảng 38%) nguồn lực xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần “Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, quan điểm chung của Việt Nam trong quá trình thảo luận là các thách thức của rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực ASEAN và Việt Nam. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng về một Thỏa thuận về rác thải nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Theo đó, các nội dung chủ yếu được tập trung thảo luận để đóng góp xây dựng thỏa thuận toàn cầu như: Các chính sách, hành động phải bao gồm từ đất liền ra biển; xem xét cách thức tiếp cận theo vòng đời nhựa; chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính đối với nhựa sang nền kinh tế tuần hoàn; quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; áp dụng cách quản trị nhiều lớp, tăng cường đánh giá các hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, địa phương, quốc gia và khu vực để hướng đến toàn cầu. Một số giải pháp như: Hợp tác công tư, mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, người gây ô nhiễm phải trả tiền, cơ chế đặt cọc – hoàn trả...
Thực hiện Khoản 10, Nghị quyết EA.3/Res.7 về rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa của Hội nghị Môi trường LHQ (UNEA), Việt Nam đã gửi các đề xuất đến UNEA. Các nội dung đề xuất tập trung vào 2 vấn đề: Chuyển đổi hướng đến kinh tế tuần hoàn; các rào cản khó có thể giải quyết được trong phạm vi quốc gia nhưng có thể được giải quyết một cách hiệu quả ở quy mô toàn cầu.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn thì khung cấu trúc của một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa sẽ hướng đến mục tiêu: Giảm thiểu toàn diện rác thải nhựa bằng cách can thiệp các biện pháp chính sách, kỹ thuật theo mỗi khâu trong vòng đời của nhựa, đồng thời có chế độ báo cáo chặt chẽ; thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa một cách bền vững theo chuỗi giá trị của nhựa; quản lý bền vững theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).