Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO kiêm Đồng sáng lập Selex Motors, startup xe điện tại tọa đàm “Khởi nghiệp Deeptech dễ hay khó?”, diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Touchstone Coffee Chat diễn ra mới đây.
Theo ông Nguyên, dù Việt Nam có nhiều lợi thế về khởi nghiệp Deeptech (công nghệ sâu) như nhân lực trẻ, trình độ tay nghề cao và năng động, đây vẫn là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam.
Lấy ví dụ, việc xây dựng một sản phẩm xe điện nói riêng và phần cứng nói chung có độ ổn định cao thường mất gấp 3 lần thời gian so với việc phát triển một sản phẩm phần mềm. Bên cạnh đó, sản phẩm phần mềm phân phối dễ hơn rất nhiều. Trong khi đó, sản phẩm phần cứng phải xây dựng mạng lưới bán lẻ, bảo trì sản phẩm, và trong trường hợp xe điện thì có cả hạ tầng trạm sạc.
Để thuyết phục các quỹ đầu tư, các startup cần có thêm cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược kinh doanh |
Thậm chí ở Đông Nam Á, khởi nghiệp Deeptech, nhất là trong mảng phần cứng, năng lượng mới như Selex cũng gặp nhiều trở ngại về gọi vốn vì rủi ro cao và chi phí đầu tư nghiên cứu cũng rất lớn.
Theo ông Nguyên, để thu hút nhà đầu tư, các công ty startup phải làm được hai việc: đầu tiên là phải đam mê với việc mình làm, đồng thời đặt câu hỏi một cách logic về nhu cầu thị trường. Như ông Nguyên, về Việt Nam năm 2017 và nhận thấy tiềm năng xe điện và trở ngại còn khó hơn. “Nhưng tôi vẫn làm, tôi xin nghỉ việc ở Viettel và bắt đầu với Selex”, ông Nguyên chia sẻ.
Được biết, phần lớn nguồn vốn của Selex đến từ các nhà đầu tư thiên thần trước khi nhận đầu tư từ quỹ Touchstone Partners vào tháng 2/2022. Đây cũng là một cách để tạo sự tin tưởng cho các quỹ sau này, đó là sử dụng niềm đam mê của mình thuyết phục được các nhà đầu tư cá nhân xuống tiền chỉ với một ý tưởng, một tầm nhìn. Chia sẻ tại sự kiện Touchstone Coffee Chat, ông Nguyên cho biết ngoài ra để thuyết phục các quỹ đầu tư, cần có thêm cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược kinh doanh.
Ông Lê Thành Nam, Giám đốc Đầu tư quỹ Touchstone Partners, cho biết thời điểm Selex tiếp cận Touchstone, quỹ đánh giá đội ngũ sáng lập rất “cứng”. Tuy nhiên, lĩnh vực xe điện dù nhiều tiềm năng nhưng thị trường rất thiếu các thông tin để đánh giá. Tại thời điểm đó, việc đánh giá một startup xe điện vẫn dựa trên các thông số và tiêu chí của các startup phần mềm, và cơ bản là chúng không thể tương đương với nhau. Vì thế, Quỹ cần có cái nhìn và tiêu chuẩn đánh giá khác biệt hoàn toàn.
“Lúc gọi vốn, nếu Selex đưa ra mục tiêu 30 triệu người Việt Nam sẽ sử dụng sản phẩm xe điện Selex trong vòng 10 năm, chúng tôi có thể sẽ không được thuyết phục. Đây là cách các công ty phần mềm hoặc các công ty phần cứng ở các thị trường rất phát triển như Mỹ hay Châu Âu hay nói. Thay vào đó, anh Nguyên vẽ ra bức tranh đơn giản và dễ hiểu về đội ngũ shipper ở các công ty thương mại điện tử lớn tại Việt Nam sử dụng xe điện, đổi pin, sạc được tại trạm nhằm tiết kiệm chi phí. Đó là một chiến lực tiếp cận thị trường và bức tranh vĩ mô chúng tôi cho là hợp lý, và Touchstone quyết định đầu tư”, ông Nam cho biết.
Touchstone Coffee Chat là chuỗi sự kiện hỗ trợ và tư vấn startup hằng tháng dành cho các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam. Chuỗi sự kiện Touchstone Coffee Chat được thiết kế để giúp các founders (nhà sáng lập) khám phá sâu về ý tưởng khởi nghiệp của mình, phân tích nhu cầu thị trường, và gặp gỡ trực tiếp với các nhà đầu tư. Sự kiện Touchstone Coffee Chat đầu tiên được tổ chức vào tháng 2/2023, với sự tham gia của hơn 20 founders. Từ đó đến nay, Touchstone Coffee Chat được tổ chức hằng tháng tại Hà Nội & TP. Hồ Chí Minh với các chủ đề đa dạng: “Làm thế nào để đánh giá ý tưởng khởi nghiệp”, “Cần làm gì khi nhà đầu tư không rót vốn”, “Khởi nghiệp Deeptech ở Việt Nam khó hay dễ”. |