Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo
Tin hoạt động 21/08/2024 17:10
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông cho biết, vấn đề năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và hiện nay các nguồn năng lượng này đang được phát triển mạnh ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, do cơ chế, chính sách pháp luật còn chưa hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tế, nhất là các vấn đề liên quan đến mua, bán điện, đấu nối với hệ thống truyền tải, đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt như Đắk Nông còn rất vướng về quy hoạch khoáng sản.
Nếu không tháo gỡ, khắc phục thì sẽ ảnh hưởng chung đến chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ đối với quốc tế. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm về việc phát triển năng lượng tái tạo, những tồn tại nêu trên được tháo gỡ như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Liên quan đến nội dung an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu cụ thể, theo Quy hoạch điện VIII thì chúng ta còn 6 năm nữa, tức đến năm 2030 phải đạt tổng công suất đặt hệ thống là 150.489 MW, tức là gấp 2 lần công suất chúng ta đang có.
Mặt khác, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon ở năm 2050, Việt Nam vừa phải nâng về quy mô nhưng đồng thời cũng phải thay đổi về cơ cấu các nguồn điện, theo đó thì tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và phải giảm điện có nguồn gốc hóa thạch.
Hiện nay, để thực hiện quy hoạch này, Bộ Công Thương đang tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách nhằm được những mục tiêu trên.
“Việt Nam đúng là có tiềm năng về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay thì chúng ta không thể nâng tỷ trọng năng lực tái tạo quá khả năng kỹ thuật và kinh tế của Việt Nam. Vì năng lượng tái tạo mà quá cao thì mất an ninh, an toàn hệ thống điện, như tôi đã báo cáo, lúc có nắng, có gió thì có điện, không có nắng, có gió thì lấy đâu ra để mà cung ứng”, Bộ trưởng lý giải.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, về mặt kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể nâng năng lượng tái tạo nếu chúng ta đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện, đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, nhất là lưới điện thông minh, đầu tư vào công nghệ mới như sản xuất hydrogen, amoniac xanh để có nguồn điện sạch.
“Tuy nhiên, về mặt kinh tế nếu làm như vậy thì giá thành điện năng sẽ không thể như hiện nay, sẽ phải gấp nhiều lần so với giá hiện hành. Như vậy không phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng sử dụng điện. Mặt khác, để phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta phải áp dụng công nghệ mới, trong khi công nghệ mới thì chúng ta không sở hữu mà phải đi mua. Như vậy, ta phải mua công nghệ mới, thiết bị mới, phải đi vay vốn để đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn |
Ở một khía cạnh khác, trong lĩnh vực công nghệ mới thì giảm suất đầu tư là rất lớn. Qua theo dõi thực tế, mỗi năm giảm suất đầu tư trong lĩnh vực công nghệ mới từ 8-10%, thậm chí là 12%. Như vậy, nếu chúng ta đầu tư vào năng lượng mới một cách quá mức, quá nhanh thì chỉ sau 4-5 năm chúng ta mất đi suất đầu tư một nửa mà nghĩa vụ trả nợ vẫn còn nguyên.
“Cho nên đây là một vấn đề cần phải cân nhắc để vừa thực hiện được mục tiêu đáp ứng đủ năng lượng nhưng cũng vừa chuyển dịch một cách hợp lý, công bằng chứ không thể thực hiện một cách đơn thuần theo cam kết nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng lưu ý.
Do vậy, trong Quy hoạch điện VIII đã xác định rất rõ cơ cấu các nguồn điện, lộ trình chuyển đổi; xác định rõ những cơ chế chính sách đang làm, trong đó có những chính sách như mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời mái nhà, ban hành khung giá điện theo giờ, giá điện hai thành phần,… có rất nhiều cơ chế để làm.