Thanh Hóa: Hàng loạt sản phẩm OCOP hội tụ tại Phiên chợ thực phẩm an toàn năm 2024 Giải pháp chế biến sâu: “Cú huých" cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, OCOP Điện Biên |
Được biết, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương triển khai rất nhiều các chương trình xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm theo nhiều chủ đề khác nhau. Vậy việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được triển khai ra sao và mang lại hiệu quả như thế nào?
Chương trình OCOP đã được triển khai từ năm 2018 và đến nay đã có hơn 11.000 sản phẩm được gắn sao trên cả nước. Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi xác định một trong những giải pháp thúc đẩy chương trình phát triển bền vững là xúc tiến quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, chúng tôi đã tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối cung cầu. Năm 2023, chúng tôi đã xây dựng 3 không gian OCOP gắn với định hướng phát triển du lịch ở Huế, Lâm Đồng, Ninh Bình. Tại Festival Làng nghề Việt Nam 2023 – một sự kiện có quy mô quốc tế, chúng tôi cũng có gian trưng bày giới thiệu về sản phẩm OCOP, tạo sức hút và giúp quảng bá tốt sản phẩm.
Song song với đó, chúng tôi cũng tổ chức các diễn đàn, sự kiện kết nối cung cầu để các kênh phân phối như Central Retail, Saigon Coop biết đến các sản phẩm OCOP và đưa lên các kệ hàng trong các chuỗi siêu thị.
Song song với các giải pháp truyền thống, chúng ta cũng biết rằng thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhanh. Đặc biệt tác động đại dịch khiến người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử. Do vậy, ngay từ năm 2022, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Voso…
Đặc biệt, khi mạng xã hội Tiktok được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động thương mại điện tử, kết hợp giữa mua sắm và mạng xã hội, có giá trị giải trí, tạo cảm xúc thì tôi cho rằng đây là bước ngoặt tạo thêm một môi trường, một kênh tiêu thụ phù hợp với sản phẩm OCOP.
Bởi hơn 11.000 sản phẩm OCOP là hơn 11.000 câu chuyện văn hoá, mang giá trị bản địa. Chúng tôi xác định sản phẩm OCOP là sự kết tinh của tài nguyên bản địa với sự sáng tạo, tâm huyết của từng chủ thể. Các chủ thể không chỉ tạo ra sản phẩm để phát triển kinh tế mà đằng sau đó là niềm tự hào. Khi đưa sản phẩm lên nền tảng mạng xã hội thì có thể tạo ra câu chuyện có giá trị giải trí, tạo ra cảm xúc cho người tiêu dùng.
Lấy ví dụ, nếu đưa sản phẩm OCOP lên kênh phân phối thông thường như sạp siêu thị thì người mua sẽ không biết cách phân biệt sản phẩm này với sản phẩm kia, cũng như chưa thể biết ngay câu chuyện đằng sau sản phẩm là gì. Song nếu chúng ta đưa lên mạng xã hội thì người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm. Họ cũng có niềm tin khi nhìn thấy người bán, nghe người bán kể câu chuyện về sản phẩm, hướng dẫn cách dùng. Cho nên xúc tiến trên nền tảng mạng xã hội mang lại sự phát triển tốt, truyền tải được câu chuyện và giá trị nhân văn cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Điểm đặc trưng của các sản phẩm OCOP chính là câu chuyện văn hoá phía sau sản phẩm. Những câu chuyện này đã được khai thác và đưa vào hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ra sao, thưa ông?
Hơn 11.000 sản phẩm OCOP cũng mang trong mình hơn 11.000 câu chuyện tâm huyết gắn với từng chủ thể. Khi xúc tiến thương mại, chúng tôi đã kể các câu chuyện đó theo nhiều cách. Ví dụ khi làm hội chợ triển lãm, trước đây chủ thể chỉ để các quầy kệ đơn giản, thuần tuý là xếp sản phẩm lên, không có gì đặc biệt.
Tuy nhiên khi làm các gian hàng OCOP thì cách bày trí phải mang tính văn hoá, ví dụ như sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường để tạo ra cảm xúc. Mỗi khu vực có cách bài trí riêng, khu sản phẩm OCOP của Miền Bắc sẽ khác với khu sản phẩm OCOP của miền Nam, miền Trung, tạo ra điểm nhấn để người tiêu dùng hiểu được ăn hoá vùng miền đó.
Hoặc khi tổ chức các gian hàng OCOP ở nước ngoài như Italia, Thái Lan…, chúng tôi cũng đưa câu chuyện sản phẩm vào băng rôn, hình ảnh sắp đặt, tạo ra ấn tượng cho người xem chứ không thuần tuý là sản phẩm thông thường. Những câu chuyện cũng được đưa vào bao bì sản phẩm, tạo ra ấn tượng với người tiêu dùng.
Một hướng nữa là trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, khi livestream bán hàng… những người bán hàng nổi tiếng hay chủ thể OCOP có thể làm 1 clip ngắn khoảng 2-3 phút kể về quá trình sản xuất, tâm huyết đối với sản phẩm của mình. Ví dụ trà đinh khác với trà thông thường như thế nào, cách pha chế thế nào, cách uống ra sao, thời điểm nào là dùng phù hợp… Khi đưa lên mạng xã hội sẽ tạo ra cảm xúc và giúp sản phẩm có được lượng khách trung thành hiểu về chủ thể, hiểu về sản phẩm và quay lại mua sắm sản phẩm. Đây là điểm khác biệt giữa sản phẩm OCOP với các sản phẩm thông thường.
Một trong những điểm nhấn rất quan trọng trong công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng là thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp rất chặt chẽ với TikTok Việt Nam để livestream bán hàng và hiệu quả thu được rất cao. Ông chia sẻ gì về điều này?
Từ tháng 2/2023, chúng tôi là đơn vị đầu tiên ký kết hợp tác với Tiktok để đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm OCOP trên mạng xã hội này. Tôi cho rằng hiệu quả là rất lớn bởi sản phẩm OCOP thường của chủ thể nhỏ, các hợp tác xã, họ không có nhiều nguồn lực để triển khai các chương trình xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên khi được đẩy lên mạng xã hội, thông qua các phiên chợ OCOP, các phiên livestream, sự nhận diện với sản phẩm OCOP tăng lên rất nhanh.
Livetream bán hàng trên Tiktok là giải pháp xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả cao |
Bên cạnh giá trị lan tỏa, giá trị kinh tế bình quân mỗi phiên livestream thu được vào khoảng 120-150 triệu. Đây là con số ấn tượng với các sản phẩm OCOP, vốn đa phần là sản phẩm nông nghiệp, nông đặc sản vùng miền. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá này cũng giúp mở ra phân khúc thị trường mới, ngoài các khách hàng truyền thống. Ví dụ hiện nay, trà Thái Nguyên hiện được bán trong miền Nam rất tốt.
Đặc biệt, khi bán hàng trên mạng xã hội, sự tương tác giữa người mua và chủ thể rất tốt. Ví dụ trước đây Trà Tân Cương thường được đóng gói 500g hay 1kg, uống rất lâu hết và để một thời gian thường bị mất mùi thơm. Khi livestream, người mua góp ý cho người bán về cách đóng gói và đây là thông tin rất quý báu. Nếu chủ thể OCOP mở điều tra đánh giá có thể mất rất nhiều kinh phí nhưng khi livestream, chủ thể sẽ biết được ngay.
Với những kết quả đạt được thời gian vừa qua, thời gian tới, các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu các dòng sản phẩm OCOP đến các kênh phân phối truyền thống như chợ, siêu thị, chuỗi bán lẻ…
Bên cạnh đó, chúng tôi đã có sự cam kết của Tiktok là sẽ đồng hành trong 3 năm và không chỉ dừng ở thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, các chủ thể OCOP tập trung giải quyết khó khăn về nhãn mác, bao bì, tăng cường tập huấn cho người tiêu dùng hiểu đâu là điểm nghẽn của sản phẩm OCOP để khắc phục, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi xác định xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng để đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước để họ biết được, tiêu thụ và tự hào về văn hoá Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không phải là bếp ăn thế giới trong khi ta có đầy đủ dư địa, năng lực để tạo ra nền ẩm thực đặc sắc? Trong khi ở các quốc gia tương tự, nói đến Hàn Quốc là nói đến kim chi, nói đến Nhật Bản là nói đến sushi? Cho nên ta phải tự hào về sản phẩm OCOP của chúng ta. Đó chính là những đại sứ để giúp chúng ta xác định dược vị trí của mình trên bản đồ nông sản và ẩm thực thế giới.
Xin cảm ơn ông!