Cắt giảm lao động tại Công ty PouYuen: Kịp thời kết nối giới thiệu việc làm cho công nhân Doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ lao động bị cắt giảm việc làm sẽ tăng cao |
Quý I/2023, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,2 triệu người (tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước).
Mặc dù vậy, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng quý I/2023 so với quý trước chỉ là 0,2% (quý I/2022 là 0,9%; quý IV/2022 là 0,5%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 là 68,9% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, khu vực nông thôn là 71,3%.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, trên bình diện chung, lao động có việc làm tiếp tục tăng. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2023 là 51,1 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với năm 2019).
Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ rõ, tại một số địa phương lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý IV/2022 như TP. Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Bắc Giang giảm 4,5%, Thái Nguyên giảm 2,2%.
Đáng chú ý, số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh: Trong 4 tháng đầu năm 2023 số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài là 49.880 lao động, tăng 3,44 lần so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022: 14.489 lao động). Thu nhập của người lao động được cải thiện, cụ thể thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,0 triệu đồng (tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước)…
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2023 có chỉ số phát triển kinh tế không được thuận lợi nhưng thị trường lao động vẫn có sự phát triển nhẹ theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là nhờ sự tăng trưởng ở ngành thương mại - dịch vụ (ngành sử dụng nhiều lao động nhất, 4 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8%).
Tuy nhiên, với diễn biến cuối tháng 4 và tháng 5 về sản xuất kinh doanh kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó khăn hơn. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu, hiện số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử...
Về lao động, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó: Số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP. Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng); Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng), trong đó nhiều nhất là lao động ngành dệt may là 3.826 người.
Số lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Tỷ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất (28% lao động là thợ may, 8% lao động là thợ lắp ráp). Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
Chỉ rõ nhưng nguyên nhân của việc cắt giảm lao động hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là do lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm... khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho không xuất được, không có đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh được. Một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp gặp khó để sắp xếp lại hoạt động sản xuất, trong khi, sau đại dịch Covid-19 nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp không còn đủ để thực hiện.
Việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 632.790 lượt người gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt tư vấn giới thiệu việc làm là 651.062 trường hợp. Tổng số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng cho đến hết tháng 4 là 274.592 người, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Con số tuyệt đối là 287.780 người và số hỗ trợ được học nghề 4 tháng của đầu năm 2023 là 7.308 người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Chia sẻ về giải pháp làm sao để bảo hiểm thất nghiệp trở thành “bà đỡ” cho thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được gắn với Luật Việc làm. Luật Việc năm 2013 quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bản chất của chính sách này là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là bà đỡ cho thị trường lao động.
Thời gian vừa qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hoạt động rất cố gắng, tuy nhiên cũng còn nhiều điểm phải điều chỉnh. Vừa rồi, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghe Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo về sửa đổi Luật Việc làm, trong đó có một chương về bảo hiểm thất nghiệp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong thời gian tới, để bảo hiểm thất nghiệp thực chất phải là bà đỡ cho thị trường lao động, phải xử lý làm sao để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì phải dùng chính sách này để hỗ trợ. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư cao.
Để tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm cho người lao động hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.
Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động…
Ngày mai (6/5), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên sẽ đăng đàn nêu các giải pháp giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.