Tiếp theo Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp tại Hà Nội vào ngày 25/9, Hội thảo ở khu vực TP. Hồ Chí Minh diễn ra hôm nay, 27/9, cũng nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh hợp lý.
Ra đời Thông tư là cần thiết
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo sự minh bạch thông tin đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên hàng hóa cũng đã làm phát sinh một số bất cập như: các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì là một sản phẩm được coi là “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định số 43… Để khắc phục, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa Made in Vietnam.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu những điểm cần lưu ý trong Thông tư Made in Vietnam |
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, ông Nguyễn Hữu Nam - Trưởng phòng Pháp chế của VCCI Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, sự ra đời của thông tư này là cực kỳ cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên dự thảo cần xem xét kỹ trên cơ sở dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và đưa ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Bởi lẽ nếu dựa vào một số trường hợp cụ thể mà đưa ra quy định vội vàng thì sẽ tác động đến một loạt hàng hóa và ảnh hưởng đến hàng triệu doanh nghiệp.
Băn khoăn dán nhãn “Made in Vietnam” thế nào mới đúng
Tham dự hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo và cho rằng các quy định này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra băn khoăn với quy định dán nhãn xuất xứ theo các nội dung trong thông tư này.
Bà Lê Thị Trâm Anh - đại diện Công ty CP China Steel and Nippon Steel Việt Nam - nêu ý kiến: Đây là quy định là hàng hóa “Made in Vietnam” nhưng nếu hàng hóa của công ty không đạt tiêu chí thì trên nhãn sẽ thể hiện như thế nào?
Doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho dự thảo thông tư |
Hay đối với mặt hàng công nghệ cao, đại diện đến từ Intel Khu vực châu Á cho biết: Hiện nay hàng hóa công nghệ cao hầu như thuế nhập khẩu bằng 0% nên các nhà nhập khẩu không yêu cầu chứng nhận xuất xứ. Vậy trường hợp phát sinh muốn xin chứng nhận dán nhãn sản xuất tại Việt Nam và không phải vì mục đích ưu đãi thuế thì có được cấp chứng nhận không?
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nam cho rằng, nếu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà không đáp ứng yêu cầu của thông tư này thì cần phải có giải pháp khác làm ngay nếu không sau này mới tranh luận, bàn cãi sẽ rất khó. “Nếu hàng không đáp ứng thì sẽ ghi gì trong đó, cái này Bộ Công Thương cần phải làm rõ, tránh hiểu sai, vận dụng sai”, ông Nam nêu ý kiến.
Theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương không muốn chỉ vì một doanh nghiệp làm sai mà ban hành quy định để triệu doanh nghiệp khác ảnh hưởng. Để xây dựng thông tư này Bộ đã mất một năm tham khảo ý kiến của các đơn vị liên quan. Với những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Bộ Công Thương ghi nhận để sớm hoàn thiện thông tư phù hợp với thực tế.