Đạt hàm lượng giá trị gia tăng 30% là hàng hóa Việt Nam
Tài liệu hỏi đáp về Dự thảo quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam được công bố ngày 14/8/2019 nêu rõ, Thông tư này được áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, về nguyên tắc, Thông tư sẽ áp dụng cho cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Thông tư của Bộ Công Thương không điều chỉnh các trường hợp này.
Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp chân chính |
Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là “hàng Việt Nam” thì Thông tư được áp dụng. Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan.
Hàng hóa được phép thể hiện là hàng Việt Nam trong 2 trường hợp: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Dự thảo. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa được quy định tại Điều 9 của Dự thảo.
Đáng chú ý, trong Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA), hàm lượng giá trị gia tăng phải đạt 40% mới được coi là đáp ứng xuất xứ hàng hóa; nhưng tại thông tư này, chỉ cần hàm lượng 30% sẽ được coi là hàng hóa Việt Nam. Nguyên nhân là trong ATIGA và các hiệp định thương mại tự do khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi là hàm lượng giá trị khu vực (RVC), tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. Ví dụ, một sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp chứng nhận xuất xứ mẫu D để được hưởng ưu đãi thuế quan. Nhưng với thông tư này, tỷ lệ giá trị giá tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.
Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện Thông tư.
Không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp
Mặc dù là một văn bản mới nhưng Dự thảo được xác định là không quy định bất cứ một thủ tục hành chính mới nào mà DN phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, khi được ban hành, Thông tư cũng sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
Với Thông tư này, các DN chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã xảy ra thời gian qua.
Ngoài ra, Dự thảo cũng chỉ rõ, hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó. Đây là quy định để phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại.
Cùng với việc đăng tải công khai dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để giải thích, làm rõ mục tiêu ban hành Thông tư. Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu dự thảo để lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan về các quy định tại Dự thảo. |