Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương tăng cường phối hợp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử |
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chia sẻ với báo chí về các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền |
Thưa bà, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá Việt qua các sàn thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Thời gian vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử?
Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam nói chung qua thương mại điện tử là định hướng xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta, được hiện thực hoá qua Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Thực hiện Quyết định này, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tập huấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử. Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp này ở cả quy mô toàn quốc và quy mô vùng.
Thời gian qua, các hoạt động này đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, về quy mô và số lượng đơn vị được đào tạo, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai đào tạo trên quy mô cả nước với rất nhiều lượt đơn vị được thụ hưởng. Với tốc độ này, tôi cho rằng, mục tiêu đào tạo 1 triệu lượt hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, hộ kinh doanh OCOP, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử đến năm 2025 là rất khả thi.
Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối với các sàn thương mại điện tử, các đối tác công nghệ, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có được các giải pháp về marketing, logistics và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, giúp các HTX, doanh nghiệp rút ngắn thời gian và khoảng cách tiếp cận công nghệ.
Với mục tiêu phát triển thương mại điện tử bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền, thời gian qua, một số địa phương với sự đồng hành của Bộ Công Thương đã có sự bứt phá. Cụ thể như Thái Nguyên, Nam Định, Bắc Ninh… đã có chỉ số phát triển thương mại điện tử bứt phá rõ rệt.
Các sàn thương mại điện tử là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả |
Thưa bà, trước xu hướng tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các địa phương như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua nền tảng thương mại điện tử cần có sự phối hợp cơ quan quản lý nhà nước, HTX - nơi cung ứng sản phẩm OCOP và các địa phương. Có 3 nhóm giải pháp lớn cần triển khai:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng triển khai thương mại điện tử cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương, sinh viên. Đây là giải pháp rất quan trọng
Thứ hai, cần có sự phối hợp với các sàn thương mại điện tử và các chủ thể OCOP để tăng chất lượng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP có đặc trưng là hiếm, có giá trị văn hoá cao… vai trò các sàn và các bên cần tăng cường kiểm soát để giữ được chất lượng hàng hoá, đảm bảo việc hàng hoá khi đưa đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất.
Thứ ba, khắc phục hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, HTX. Cần giải bài toán về nâng cao năng lực xây dựng hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng logistics, hạ tầng thanh toán. Các sản phẩm xuất phát từ vùng sâu vùng xa thì cần có sự phối hợp các bên cung cấp dịch vụ chuyển phát, thanh toán, các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ giải quyết bài toán thanh toán, vận chuyển hiệu quả nhất. Từ đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Về phía các doanh nghiệp, HTX là chủ thể sản phẩm OCOP, theo bà, cần tập trung vào các giải pháp như thế nào?
Về phía chủ thể sản phẩm OCOP, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, cần tập trung vào những giải pháp như phải nâng cao năng lực nguồn nhân lực làm thương mại điện tử tại doanh nghiệp. Vì những chương trình có sự hỗ trợ của nhà nước và các đối tác thì có thể cầm tay chỉ việc cho các chủ thể ở thời điểm đó. Nhưng sau đó, doanh nghiệp cần có được đội ngũ nhân sự có năng lực, kỹ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử một cách lâu dài, bền vững.
Doanh nghiệp cũng cần tập trung vào công tác tiếp thị, bao gói các sản phẩm, đầu tư cho hình ảnh sản phẩm. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, cần phải kết hợp việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm ở cả cách truyền thống và hiện đại. 2 hình thức này bổ trợ cho nhau và các doanh nghiệp, HTX cần linh hoạt để tối đa hoá nguồn lực của doanh nghiệp, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các đối tác, các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường, tối ưu hóa hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.
Xin cảm ơn bà!
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Trong số này, có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Hoạt động thương mại điện tử trong vài năm gần đây đạt sự tăng trưởng rất tốt, từ 20-25%, chiếm tỉ trọng cao, lên đến gần 10% trong tổng sản phẩm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cả nước nên còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện Bộ Công Thương và các ngành đã, đang và sẽ hỗ trợ các chủ thể liên kết với các sàn thương mại điện tử trong nước, với lượng giao dịch hàng chục triệu lượt/ngày. Qua đó, hỗ trợ cho các chủ thể tuân thủ các quy trình, quy định của các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. |