Bộ Công Thương: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản
Chỉ thị nêu rõ: Từ đầu mùa mưa bão năm 2023 đến nay, thời tiết cực đoan đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, mưa lớn kéo dài gây tình trạng lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra nhiều tiềm ẩn, nguy cơ mất an toàn đối với các ngành sản xuất như khai thác khoáng sản; sản xuất, truyền tải, cung cấp điện, dầu khí, xăng dầu...
Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong thời gian vừa qua tình hình sự cố, tai nạn lao động đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt sau đợt mưa to kéo dài nhiều ngày qua tại Quảng Ninh, Lào Cai đã ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác tại các đơn vị như: tại Công ty cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 04 công nhân; sự cố hồ chứa quặng đuôi tại Công ty cổ phần Đồng Tả Phời gây sự cô môi trường tại khu vực hạ lưu hồ chứa...
Trước tình trạng trên, để đảm bảo an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai các nội dung sau:
Đối với các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản:
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy định và nội quy an toàn trong các khâu sản xuất của tất các các cấp quản lý và người lao động. Đặc biệt là việc thực hiện của các phân xưởng. Sau khi kiểm tra nếu phát hiện thiếu sót phải đặt ra thời gian khắc phục các thiếu sót, tồn tại và phúc tra kết quả thực hiện.
Khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa) |
Rà soát lại các thiết kế, biện pháp thi công, các nội quy, quy định và quy trình vận hành máy, thiết bị để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của sản xuất đảm bảo làm việc an toàn, trọng tâm là: Kỹ thuật cơ bản trong thi công; quy trình an toàn vào làm việc đầu ca, trong ca và cuối ca; các quy trình công nghệ được sử dụng tại phân xưởng; lệnh sản xuất của Quản đốc và Phó quản đốc; bàn giao giữa các ca cho tất cả các loại hình công việc. Trong ca lệnh của Phó quản đốc trực ca phải thể hiện được các nguy cơ mất an toàn cho các vị trí sản xuất, lối đi của mọi người trong ca và đề ra biện pháp phòng tránh, xử lý, thoát hiểm khi có tình huống khẩn cấp, đặc biệt các nguy cơ dẫn đến các sự cố, tai nạn có tính chất thảm họa như bục nước, cháy nổ than, khi. - Quy trình và nội dung kiểm tra hiện trường cho các đối tượng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành sản suất theo các ngành nghề, lĩnh vực trong các cung đoạn sản suất. - Nội dung các thiết kế, biện pháp thi công, hộ chiếu thi công công trình, biện pháp thi công lắp đặt máy, thiết bị, quy trình vận hành máy, thiết bị và dây chuyền công nghệ.
Trước khi thi công xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, tháo dỡ công trình, thiết bị phải lập và phê duyệt biện pháp, hộ chiếu thi công, trong đó phải thể hiện được các nội dung: Cách thức, quy trình tổ chức triển khai công việc, các thông số kỹ thuật, biện pháp an toàn, giải pháp thực hiện, thời gian, địa điểm và khối lượng thi công, vật liệu, bố trí nhân lực và bản vẽ tuân thủ theo các quy chuẩn hiện hành (QCVN 01:2011/BCT, OCVN 02:2009/BCT).
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc: Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại khoản 1.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phỏng chống thiên tai; phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt. - Tổ chức kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ khai thác than, khoáng sản, kho chứa, nhà xưởng, bến cảng, hệ thống đê chân bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất, hồ chứa quặng đuôi... Chỉ đạo thực hiện xử lý đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn. - Tổ chức xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án: ứng phó sự cố sập đổ hầm lò; ứng phó tình huống khẩn cấp, ứng phó chống ngập lụt mỏ, sạt lở bãi thải ảnh hưởng đến các khu dân cư trong vùng; huấn luyện nghiệp vụ cấp cứu mỏ tại các đơn vị.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm - tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, an toàn hồ chứa quặng đuôi theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến Chỉ thị này đến các đơn vị trực tiếp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.
Đối với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Chủ trì rà soát các quy định tại Luật Khoáng sản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình khai thác, vận tải trong hầm lò; đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo an toàn cho người, máy móc, thiết bị, công trình nhất là trong các điều kiện thời tiết diễn biến bất thường.
Đối với Vụ Dầu khí và Than, Cục Công nghiệp: Tăng cường quản lý và kiểm tra việc thực hiện các hoạt động đầu tư, khai thác và kinh doanh khoáng sản theo quy định của pháp luật.