Quy hoạch khoáng sản phải tiết kiệm, hiệu quả, đa mục đích theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn Công nghiệp khoáng sản cần phát triển có định hướng và theo quy hoạch chung của quốc gia |
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực, sự chung tay của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương để triển khai đúng, hiệu quả quy hoạch này.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Dưới góc độ chuyên gia, ông đánh giá đôi nét về mục tiêu và những điểm tích cực của Quy hoạch?
Quy hoạch khoáng sản được ban hàng theo Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 là một bước tiến đúng hướng để quản lý, khai thác tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Đây là những tài nguyên hữu hạn cần được sử dụng có hiệu quả trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh |
Điều quan trọng là khâu tổ chức thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản lý của chính quyền các cấp địa phương có các khoáng sản đó và vai trò của người dân sinh sống trong vùng có khoáng sản cần được quản lý, khai thác có hiệu quả. Rất mong các Bộ liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn quy trình quản lý, khai thác khoảng sản hợp lý, bảo vệ lợi ích của nhà nước, địa phương và người dân, trong đó bảo vệ môi trường sống của người dân, nguồn nước, rác thải là những vấn đề cần được quan tâm quy định, thực hiện cụ thể.
Quy hoạch mới này sẽ là động lực cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng yếu. Ông nhận định ra sao về ý kiến này?
Quy hoạch này cần được quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, khoa học, có hệ thống, bao gồm cả các tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đòi hỏi có sự điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Kinh tế số, Chính phủ điện tử tạo điều kiện thuận lợi để điều hòa, phối hợp việc quản lý và khai thác các tài nguyên này theo mô hình kinh tế tuần hoàn, không có rác thải, mọi tài nguyên đều được khai thác và sử dụng hợp lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện quy hoạch này.
Các tài nguyên khoáng sản là hữu hạn, một số tài nguyên như lithium, đất hiếm đang trở thành những tài nguyên mũi nhọn, khan hiếm trong công cuộc công nghiệp hóa hiện nay nên cần được quản lý và khai thác đặc biệt chặt chẽ, tránh tình trạng khai thác lãng phí, gây tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống của người dân.
Quy hoạch khoáng sản thúc đẩy phát triển công nghiệp trọng yếu. Ảnh: Cấn Dũng |
Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng một số loại khoáng sản rất quan trọng với ngành công nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung, theo ông, cả cấp Trung ương và địa phương cần tập trung vào giải pháp cụ thể nào để quy hoạch đạt mục tiêu kỳ vọng?
Các cơ quan ở cấp Trung ương cần ban hành các quy trình hướng dẫn rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi, bảo đảm chia sẻ, bảo vệ lợi ích hợp lý của các cấp địa phương và người dân; hợp tác xây dựng những điển hình tiên tiến khai thác an toàn, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, đúc rút kinh nghiệm và phổ biến trong toàn quốc.
Riêng với công tác tuyên truyền là rất cần thiết, do đó các cơ quan báo chí, Báo Công Thương phổ biến rộng rãi các kinh nghiệm tốt và những bài học chưa tốt để rút kinh nghiệm và từng bước hoàn chỉnh các quy định.
Bên cạnh đó, quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng một số loại khoáng sản, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành các văn bản để đưa những khoáng sản có giá trị này vào khai thác và sử dụng, từ đó tạo ra động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong việc sản xuất các sản phẩm mới.
Trước mắt, các cấp, ngành và địa phương cần làm gì để rà soát, cập nhật chủ trương, định hướng đề ra trong quy hoạch khoáng sản và tích hợp vào quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch?
Trước mắt, Bộ Công Thương cần chủ động hợp tác với Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành các quy định hướng dẫn, tổ chức hội nghị phổ biến và chỉ đạo thực hiện xây dựng những điển hình quản lý và khai thác cho các lọai hình khoáng sản khác nhau vận dụng kinh tế số, Chính phủ điện tử, thực hiện công khai minh bạch để đúc rút kinh nghiệm cho cả nước.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng trong giai đoạn 2021 – 2030: Khoáng sản bô-xít: Việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin. Khoáng sản titan: Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng. Khoáng sản đất hiếm: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%. Khoáng sản niken, đồng, vàng: Hoạt động khai thác phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường. |