Ngày này năm xưa 7/12: Bộ Công Thương ban hành Quy chế về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên: Tạo động lực mới |
3 sự kiện quan trọng
Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 7/12, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương- đơn vị đầu mối tổ chức sự kiện cho hay: Từ ngày 14-19/12, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện gồm: Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công (Nghị định số 45); Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia và Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu năm 2023. Đây là những sự kiện lớn, có tầm quan trọng với khuyến công - một trong những chính sách tác động trực tiếp tới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được quan tâm.
Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương tổ chức giới thiệu về 3 sự kiện lớn liên quan đến khuyến công |
Theo đó, Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45 sẽ được tổ chức ngày 14/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45; đồng thời xác định nhiệm vụ, định hướng giải pháp tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.
Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia và Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng CNNT năm 2023 tổ chức ngày 15/12 tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố…
Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương |
Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu năm 2023 diễn ra từ ngày 15 -19/12 với quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn và 1 khu triển lãm rộng gần 500m2 giới thiệu sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 và sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Tại Hội chợ triển lãm sẽ có sự tham gia của các cơ sở CNNT trên địa bàn của gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã xây dựng gian hàng hội chợ triển lãm trên không gian ảo. Tính đến ngày 1/12/2023 đã tạo dựng được 255 gian hàng; hoàn thiện được 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số.
Nhiều điểm mới và quan trọng
Cung cấp thêm thông tin với truyền thông tại sự kiện, về Nghị định số 45, bà Đinh Thị Huyền Linh - Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương, cho hay: 10 năm sau khi Nghị định số 45 được ban hành, hoạt động khuyến công được triển khai sâu rộng, bám sát mục tiêu; động viên được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất CNNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho khuyến công là hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương khoảng 41%, ngân sách của địa phương 59%, vốn đối ứng của doanh nghiệp khoảng 10.500 tỷ đồng. “Như vậy, 1 đồng vốn ngân sách Nhà nước huy động được 4 đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT, đây là con số đáng ghi nhận”, bà Đinh Thị Huyền Linh nói.
Bà Đinh Thị Huyền Linh - Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương |
Một số nội dung nổi bật của hoạt động khuyến công, như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới được 630 mô hình; hơn 8.000 cơ sở được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ tổ chức bình chọn 1.630 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, 512 sản phẩm cấp quốc gia; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp…
Trong quá trình triển khai Nghị định số 45 ngoài kết quả đáng ghi nhận, theo bà Đinh Thị Huyền Linh, còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, còn một số nội dung chưa tổ chức thực hiện được nhiều, khó khăn liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị triển khai công tác khuyến công thuộc các Sở Công Thương. Ngoài ra, tại địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa do nhiều hạn chế vẫn tồn tại số ít đề án nhỏ lẻ.
Trước những hạn chế trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương có định hướng rà soát cơ chế chính sách, hoàn thiện khung pháp lý, điều chỉnh cơ chế chính sách về khuyến công phù hợp với tình hình mới.
Về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm nay, ông Phan Hoài Nam - Trưởng phòng Phát triển Tiểu thủ công nghiệp và Doanh nghiệp, Cục Công Thương địa phương, cho biết: Toàn bộ công tác bình chọn được thực hiện theo 4 cấp huyện, tỉnh, khu vực, quốc gia. Do vậy, sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia là những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được mọi tiêu chí.
Ông Phan Hoài Nam - Trưởng phòng Phát triển Tiểu thủ công nghiệp và Doanh nghiệp, Cục Công Thương địa phương |
Các tiêu chí sản phẩm phải đáp ứng gồm: Đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chí kỹ thuật, văn hoá thẩm mỹ và các tiêu chí khác. Trong những tiêu chí này, mỗi năm căn cứ vào tình hình thực tế nhóm sản phẩm đăng ký, Ban Giám khảo sẽ sàng lọc, tính toán và xây dựng tiêu chí cụ thể để chấm điểm đảm bảo tính khách quan toàn diện.
“Đối tượng tham gia bình chọn là các cơ sở CNNT và khi tham gia không phải đóng kinh phí. Sau xét bình chọn, có sản phẩm đạt cơ sở sẽ được hỗ trợ kinh phí với cấp quốc gia là 8,2 triệu đồng/sản phẩm, bộ sản phẩm; cấp khu vực là 5 triệu đồng/sản phẩm, bộ sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Nam nói.
Ngoài ra, tham gia và đạt bình chọn các đối tượng còn được hưởng nhiều quyền lợi khác như được phép dán nhãn biểu trưng logo của chương trình bình chọn lên sản phẩm được công nhận; ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương; tư vấn tiếp cận các chương trình ưu đãi hỗ trợ đầu tư khác của Nhà nước; đăng tải thông tin về sản phẩm trên các thông tin đại chúng của Trung ương và đia phương; tham gia hội nghị kết nối cung-cầu…
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương |
Tại sự kiện, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương cũng chia sẻ về nét mới của Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu năm 2023. Theo đó, Hội chợ triển lãm năm nay được xây dựng trên nền tảng công nghệ thực tế ảo. Điều này giúp doanh nghiệp có sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu quảng bá, giao thương dài hơn, hội chợ trực tiếp diễn ra từ ngày 15-19/12.
Trên không gian thực tế ảo, Hội chợ triển lãm đang có hiệu ứng tốt. “Ngay buổi sáng hôm nay đã có 11.000 lượt truy cập, đây là điều bất ngờ với lần thử nghiệm đầu tiên”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
Về Hội chợ triển lãm trực tiếp năm nay gồm khu triển lãm nhằm quảng bá vinh danh sản phẩm CNNT tiêu biểu và khu sản phẩm CNNT thực sự có hiệu quả về mặt thị trường. Hội chợ triển lãm năm nay có 51 tỉnh tham gia, các gian hàng đã được phủ kín.
Ngoài được miễn phí gian hàng, doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm còn được tư vấn miễn phí về phát triển thị trường, chuyển đổi số, phát triển sản xuất. “Ở sự kiện này doanh nghiệp là đối tượng phục vụ đúng nghĩa, chúng tôi chia sẻ, lắng nghe và đồng hành giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá nhiều nhất có thể”, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 bày tỏ.