Bộ Công Thương: Tích cực, chủ động trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại Nghệ An |
Nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành, ngày 27/10/2023, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với Sở Công Thương Thanh Hóa và đi kiểm tra thực tế Nhà máy sản xuất Rượu gạo truyền thống và nước uống tinh khiết - Công ty Cổ phần Dạ Lan và Co.opMart Thanh Hóa về các nội dung liên quan đến tình hình thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Nâng cao công tác quản lý nhà nước
Bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của người dân mà còn thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển kinh tế. Vì vậy, trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được ngành Công Thương Thanh Hóa quan tâm đặc biệt và được triển khai một cách chủ động, kịp thời.
Bà Lưu Thị Nga báo cáo tình hình thực hiện hậu kiểm về ATTP với Đoàn kiểm tra (Ảnh: Thu Hường) |
Báo cáo với Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường, Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp tham mưu cho tỉnh ban hành hàng chục kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác an toàn thực phẩm (ATTP).
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay 100% các thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP được Sở Công thương tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và gần 400 hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Sở Công Thương thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tập huấn, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Đồng thời, triển khai các hội nghị tập huấn về công tác ATTP. Từ tháng 5/2020 đến nay, Sở đã tổ chức được 05 hội nghị tập huấn với 1.200 học viên là đại diện UBND các xã, phường, thị trấn có chợ đang hoạt động.
Đoàn Kiểm tra Bộ Công Thương kiểm tra công tác thực hiện pháp luật về ATTP tại Co.opMart Thanh Hóa (Ảnh: Thu Hường) |
“Công tác hậu kiểm tiếp tục được triển khai thực hiện một cách toàn diện. Năm 2023 đơn vị đã đưa 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở vào Kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP”- bà Nga cho biết.
Sở đã chủ trì 03 Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và cử cán bộ chuyên môn tham gia 09 Đoàn kiểm tra liên ngành. Các nội dung được tập trung hậu kiểm gồm: Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan; ghi nhãn hàng hóa; truy xuất nguồn gốc thực phẩm;…
Bà Nguyễn Thị Phi Nga - Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra nhãn phụ, xuất xứ hàng hóa mặt hàng sữa (Ảnh: Thu Hường) |
Kết quả 12 Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 392 cơ sở; trong đó: Có 343 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 87,5%), phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở (chiếm 12,5%) với số tiền 335 triệu đồng; riêng 03 Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì đã tiến hành kiểm tra 76 cơ sở và xử lý 04 cơ sở vi phạm, số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước là 32 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2023, Sở cũng đã tiến hành lấy 200 mẫu giám sát ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý (gồm 40 mẫu rượu, 40 mẫu nước giải khát, 30 mẫu bột, tinh bột, 30 mẫu bánh mứt kẹo, 30 mẫu sữa chế biến và 30 mẫu dầu ăn). Hiện nay các mẫu đang được Sở gửi đi kiểm nghiệm.
Phát triển hệ thống phân phối, chợ an toàn thực phẩm
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay có 389 chợ có khu vực kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương. Năm 2018, 2019, Sở Công Thương Thanh Hóa hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chợ đảm bảo tiêu chí vệ sinh ATTP theo TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định qui định về trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để nhằm tháo gỡ những khó khăn do TCVN11856;2017 đưa ra. Hiện tại, toàn tỉnh có 129 chợ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nằm trong danh sách chợ tạm.
Ông Dương Xuân Diêu - Phó trưởng Đoàn Kiểm tra, kiểm tra khu vực ngành hàng tươi sống tại Co.opMart Thanh Hóa (Ảnh: Thu Hường) |
“Với sự quyết tâm của ngành Công Thương và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 355/388 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, đạt 91%. Trong đó, có 250 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 105 chợ được Giám đốc Sở Công Thương quyết định công nhận chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chí chợ tạm.”- bà Lưu Thị Nga cho biết thêm.
Tại các chợ đã được công bố đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, cơ sở hạ tầng đã được cải tạo hoặc xây mới; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ bày bán thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các yêu cầu đối với Ban quản lý chợ và tiểu thương kinh doanh trong chợ cũng như thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa kinh doanh tại chợ được chú trọng.
Đối với công tác xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, tính đến tháng 9/ 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng 537 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các khu vực đông dân cư. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Kiểm tra công tác thực hiện các quy định về ATTP tại cơ sở sản xuất rượu gạo truyền thống và nước uống tinh khiết-Công ty Cổ phần Dạ Lan (Ảnh: Thu Hường) |
Bên cạnh một số kết quả đạt được, thì ngành Công Thương Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý. Do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý có quy mô nhỏ lẻ nhiều và thường xuyên biến động; Quy định về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ rất khó triển khai thực hiện trong thực tế; cán bộ kiêm nhiệm công tác quản lý lĩnh vực ATTP tại sở còn ít... Đặc biệt, nguồn kinh phí cho lĩnh vực ATTP cho công tác hậu kiểm; giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn hẹp.
Sau khi nghe báo cáo từ Sở Công Thương và đi kiểm tra thực tế, thành viên Đoàn kiểm tra đã thống nhất với các nội dung trong báo cáo. Đồng thời, ông Dương Xuân Diêu – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - Phó Trưởng đoàn Phụ trách đoàn Kiểm tra đã đề nghị Sở Công Thương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra tại 2 đơn vị sản xuất kinh doanh, Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác thực hiện, tuân thủ về ATTP tại thời điểm kiểm tra. Tuy nhiên còn một số tồn tại, khắc phục trong công tác quản lý, kiểm soát ATTP tại cơ sở, Đoàn Kiểm tra đề nghị Sở Công Thương tiếp tục kiểm tra công tác hoàn thiện, thực hiện theo khuyến cáo của Đoàn kiểm tra và có báo cáo gửi về Bộ Công Thương.
Ngoài ra, ông Dương Xuân Diêu đã thay mặt Đoàn trả lời các kiến nghị của cơ sở sản xuất, kinh doanh và Sở Công Thương Thanh Hóa về các nội dung thuộc phân cấp quản lý.
Đồng thời, Đoàn Kiểm tra cũng đề nghị Sở Công Thương, chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại và thương mại điện tử.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.