Bộ Công Thương đồng hành cùng địa phương, vải thiều Bắc Giang rộng đường xuất khẩu Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/5: Cần sử dụng công cụ thuế để kiểm soát giá xăng dầu |
Đảm bảo đủ nhu cầu hàng hoá thiết yếu
Mặc dù thị trường Việt Nam tương đối mở, có những giai đoạn, một số mặt hàng như thực phẩm, năng lượng tại nhiều nước trên thế giới gặp phải khủng hoảng về nguồn cung nhưng tại thị trường trong nước, nguồn cung các mặt hàng này vẫn luôn được cung ứng đầy đủ. Điều này cho thấy những nỗ lực trong công tác chỉ đạo của ngành Công Thương trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sự ủng hộ, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu này.
Không để thiếu hàng hoá trong mọi hoàn cảnh |
Đơn cử, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19 vào quý II năm 2021, dù có một số thời điểm xảy ra khan hàng, sốt giá do việc giãn cách, song chỉ sau một thời gian rất ngắn, với những giải pháp phối hợp đồng bộ, hàng hoá đã được cung cấp đầy đủ đến người dân với mức giá bình ổn.
Từ đó đến nay, khi tình hình bệnh Covid -19 đang dần được kiểm soát và bắt đầu có xu hướng giảm sâu (dịch Covid -19 tại Hà Nội đã vào giai đoạn thoái trào; số ca tử vong do Covid -19 trên cả nước đạt mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua...), các hoạt động trong lĩnh vực du lịch dần được khôi phục (mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022), nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cũng đang dần phục hồi.
“Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng, nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân” – Bộ Công Thương chỉ rõ.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng; ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài); lưu trú và ăn uống tăng 5,2%; du lịch tăng 10,5%.
Thị trường hàng hóa thời gian qua nhìn chung không có biến động bất thường. Nhu cầu hàng hóa nhóm trang thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giầy dép… tăng khi thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè. Do có các dịp nghỉ lễ kéo dài (Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 và 01/5) cùng với nhiều chương trình kích cầu du lịch trong nước được triển khai nên nhu cầu du lịch, dịch vụ của người dân tăng lên đáng kể.
Đảm bảo cung cầu xăng dầu
Một trong những mặt hàng quan trọng được Bộ Công Thương chú trọng các giải pháp ổn định cung cầu chính là xăng dầu. Thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước trong Quý I/2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 02 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Chủ động nhập khẩu đảm bảo nguồn cung xăng dầu |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian qua luôn được bảo đảm.
Dự kiến nhu cầu xăng dầu Quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, thực hiện Công điện số 160/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02/3/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1018/BCT-TTTN gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin truyền thông.
Theo đó Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (thuế, chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển...) cho phù hợp; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu; Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp đưa tin chính thống, đúng bản chất vấn đề và các chủ trương chính sách của Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong dư luận và tránh đưa tin cục bộ, thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.