Bộ Công Thương khảo sát, tìm hiểu hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại Bình Dương
Tin hoạt động 10/06/2024 19:44
Bộ Công Thương họp xin ý kiến Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh trở thành thành viên của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam |
Chiều 10/6, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam dẫn đầu công tác khảo sát và làm việc với tỉnh Bình Dương về hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng để phục vụ xây dựng Báo cáo logistics Việt Nam 2024.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics Bình Dương - (Ảnh: Thanh Minh) |
Tại buổi làm việc, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã báo với đoàn khảo sát về tình hình phát triển logistics của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua và định hướng quy hoạch phát triển ngành logistics thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Với thuận lợi về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, ngành dịch vụ logistics Bình Dương trong thời gian qua phát triển nhanh và mạnh, giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của Bình Dương phát triển nhanh và bền vững.
Đoàn khảo sát phục vụ xây dựng Báo cáo logistics Việt Nam làm với tỉnh Bình Dương - (Ảnh: Thanh Minh) |
Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ này chưa cao so với thực tế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mới cung cấp được dịch vụ mức độ 1 - 2 (1PL, 2PL), số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ mức độ 3PL, 4PL còn hạn chế; các nhà cung cấp dịch vụ chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics hiện nay phân bố chưa đồng đều, chủ yếu tập trung trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An. Dịch vụ vận tải hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ (chiếm trên 99% khối lượng vận chuyển hàng hoá), kết nối giữa các phương thức vận tải khác (đường sông và đường sắt) còn thiếu và yếu. Chi phí vận tải còn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics.
Chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp Bình Dương đóng góp ý kiến tại buổi làm việc - (Ảnh: Thanh Minh) |
Do đó, trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, Bình Dương định hướng trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ Logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và trong khu vực. Đồng thời, phát triển hệ thống logistics trên quan điểm coi dịch vụ Logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.
Cùng với đó, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ Logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ Logistics ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL) Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp. Đồng thời, hình thành mạng lưới liên tỉnh và liên quốc gia thông qua các phương thức vận tải đa dạng, dịch vụ logistics chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ bởi các trung tâm logistics hiện đại, thông minh, để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), phát biểu tại buổi làm việc |
Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực khi có sự điều chỉnh nội hàm của tự do kinh tế, toàn cầu hoá, chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và những bất định khó lường diễn ra với tần suất dày hơn.
Bình Dương cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần chủ động trong việc kết nối cùng việc đánh giá thực trạng, vị thế, cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển riêng đối với vai trò và đóng góp của tỉnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tặng tài liệu Logistics cho Lãnh đạo Sở Công Thương và Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương - (Ảnh: Thanh Minh) |
Ngoài ra tỉnh Bình Dương cần phải nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện về nền tảng vật chất và lực lượng lao động để đón đầu, tham gia và phát triển các loại hình và sản phẩm dịch vụ mới trong xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tàu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia đã trao đổi về định hướng, tầm nhìn và đưa ra những kiến nghị phát triển Logistics của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát, tìm hiểu hoạt động dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại Bình Dương để xây dựng báo cáo logistics Việt Nam 2024 - (Ảnh: Thanh Minh) |
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá cao những thông tin, dữ liệu và cũng như các đề xuất, góp ý, kiến nghị từ các hiệp hội doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương để có thêm cơ sở dự liệu xây dựng báo cáo logistics Việt Nam 2024. Đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu; kiến nghị của tỉnh Bình Dương để báo cáo Chính Phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương.
“Buổi làm việc đem lại những kết quả hữu ích, để sau này chúng tôi phản ánh trong báo cáo logistics Việt Nam 2024, cũng như có những đóng góp để làm tốt hơn môi trường cũng như hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương” - Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.