Chiều ngày 8/6, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc với Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.
Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam thăm và làm việc với Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh) |
Chia sẻ tại buổi làm việc, TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho hay, năm 2024 Nhà trường chính thức mở mã ngành mới đó là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Đây cũng là sứ mệnh cam kết của Nhà trường với Bộ Công Thương khi đổi tên trường (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/7/2023), sẽ triển khai một số lĩnh vực, ngành mà Bộ Công Thương đang xúc tiến như đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics.
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh) |
TS. Thái Doãn Thanh bày tỏ, buổi làm việc với Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng mà nhà trường đang xây dựng và phát triển. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội trong công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng và năng lực chuyên sâu về logistics cho đội ngũ giảng viên của Nhà trường; cũng như mở rộng cơ hội trao đổi, liên kết, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng; giúp sinh viên được trải nghiệm thực tiễn và tiếp cận nhiều cơ hội việc làm…
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam - (Ảnh: Thanh Minh) |
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam - cho rằng: Nhà trường mở “ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” trong thời điểm này rất đúng đắn. Vì nhu cầu ngành này rất lớn. Tại Việt Nam, ngành này chỉ mới phát triển sau này khi nước ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, Hiệp hội mong muốn có sự kết nối với nhà trường, không chỉ hướng tới sự mệnh là đào tạo mà hướng tới sứ mệnh lớn hơn, tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam.
Lãnh đạo Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam trao giấy chứng nhận hội viên Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.- (Ảnh: Thanh Minh) |
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã đi sâu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tổ chức, đào tạo nhân lực về logistics. Đồng thời, gợi mở những định hướng cho trong việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đã trao giấy chứng nhận hội viên Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, chúc mừng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh trở thành thành viên của Hiệp hội. Đồng thời cho biết, logistics và quản lý chuỗi cung ứng mới được chính thức giao cho Bộ Công Thương quản lý nhà nước năm 2022, tuy nhiên trên thực tế Cục Xuất nhập khẩu triển khai công việc này từ năm 2012.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trao tặng tài liệu đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cho Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh) |
Đánh giá về việc trường mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, ông Trần Thanh Hải cho rằng, đây là thời điểm hết sức thuận lợi cho Nhà trường khi mở ngành này như: Nhà trường vừa đổi tên và thể hiện sứ mệnh đào tạo và phạm vi hoạt động chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công Thương; nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với đó, khi mở ngành đã có một tổ chức là Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, tập hợp rất nhiều các trường, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics… Qua đó sẽ nâng cao năng lực đào tạo nhân lực logistics của Nhà trường trong giai đoạn tới.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu mong muốn, các thầy cô, sinh viên Nhà trường phát huy vai trò là một đơn vị trong Bộ Công Thương tham gia tích cực phát triển Hiệp hội và thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics trong thời gian tới.
Hiện nhu cầu nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng rất lớn nên ngày càng có nhiều trường đại học tổ chức đào tạo. Tại Việt Nam, ngành này chỉ mới phát triển sau này khi nước ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo dự báo, nhu cầu nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần 30.000-40.000 lao động/năm. Từ nay đến 10 năm nữa, sinh viên tốt nghiệp ngành này được dự báo luôn có việc làm vì ngành đang thiếu nhân lực. |