Thị trường tiềm năng cho hàng nông, thủy sản
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia cho biết, khu vực Bắc Âu bao gồm các nền kinh tế mở, phát triển gồm các nước: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Litva, Latvia, Estonia và một số vùng lãnh thổ với tổng diện tích gần 1,5 triệu km²; dân số 32,95 triệu người.
Với các chính sách thương mại tự do, cùng điều kiện tự nhiên, các nước Bắc Âu có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp và các mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới.
Cà phê là mặt hàng nhiều tiềm năng thâm nhập vào thị trường Bắc Âu. Ảnh minh họa |
Với thị trường Việt Nam, hàng hóa Việt đã xuất khẩu sang các nước Bắc Âu chủ yếu là hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến... và những mặt hàng này có tiềm năng và dư địa phát triển tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, so với khu vực thị trường truyền thống là các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Áo... thì Bắc Âu vẫn là khu vực thị trường khá mới đối với cộng đồng doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Đáng chú ý, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU và thu hút các doanh nghiệp đầu tư từ khu vực này ngày càng lớn.
Cơ hội là vậy, song thách thức cũng có do các nước Bắc Âu dân số ít, thị trường nhỏ, lại có yêu cầu cao đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước, nên các nước này chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu xung quanh thông qua các đại lý phân phối trong khu vực. Nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào khu vực này nhưng số liệu nhập khẩu không thể hiện nhập khẩu từ Việt Nam nên hàng Việt Nam thực tế tại khu vực nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Bên cạnh đối thủ cạnh tranh truyền thống là Trung Quốc, Thái Lan thì còn rất nhiều nước khác có các đặc điểm tương đồng như Việt Nam cũng đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm và đưa ra nhiều biện pháp để tận dụng xu hướng chuyển dịch, đa dạng hoá nguồn cung của Bắc Âu như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ...
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng, công tác phát triển thị trường Bắc Âu cần phải định hướng lại với cách tiếp cận mới. Trong đó, chú trọng đến việc quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường thị trường Bắc Âu và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại chỗ.
“Các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu hoạt động trên khắp thế giới về tất cả các lĩnh vực như: thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ... Nếu doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được hàng cho các tập đoàn này, hoặc vận động các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối tại mạng lưới bán lẻ rộng khắp của họ” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy thông tin.
7 lưu ý để ca cao tiến sâu hơn vào Bắc Âu
Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, nông sản Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu, nhất là đối với sản phẩm ca cao. Do vậy, để gia tăng thị phần tại Bắc Âu, Thương vụ cho rằng, trước hết, sản phẩm cao cao Việt Nam cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường.
“Doanh nghiệp xuất khẩu phải nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI... Để tránh nguy cơ bị trả lại hoặc bị từ chối tiếp cận thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu ca cao Việt Nam nên gửi các sản phẩm xuất khẩu để phân tích các chất cấm tại các cơ quan có thẩm quyền” - Thương vụ khuyến cáo.
Để gia tăng thị phần tại Bắc Âu, sản phẩm cao cao Việt Nam cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường. Ảnh minh họa |
Thứ hai, đáp ứng các yêu cầu bổ sung. Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ.
Xu hướng sản xuất và kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải... Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững.
Thứ ba, phát triển thị trường ngách. Theo phân tích từ Thương vụ, dù là thị trường nhỏ và ổn định, nhưng phân khúc ca cao đặc sản, hữu cơ, phát triển bền vững đang bắt đầu nổi lên và có nhu cầu ngày càng gia tăng tại Liên minh châu Âu nói chung và khu vực thị trường Bắc Âu nói riêng. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường bởi trong thị trường đặc sản, cạnh tranh về chất lượng và mối quan hệ là cạnh tranh lâu dài, chứ không phải về giá cả.
Thứ tư, chú trọng xây dựng thương hiệu và kể chuyện về sản phẩm. Thương vụ cho rằn, để hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm cho thị trường ngách thì việc xây dựng thương hiệu và kể chuyện về sản phẩm là giải pháp hữu hiệu. Một câu chuyện hay về sản phẩm hàng hóa sẽ giúp tiếp thị sản phẩm tốt hơn. Bằng cách kể một câu chuyện hấp dẫn, có thể kết nối người tiêu dùng với nguồn gốc của ca cao và nhà sản xuất, tăng thêm giá trị cho sản phẩm socola cuối cùng.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã thành công với giải pháp này khi chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn về công ty và lịch sử bao gồm Xoco Gourmet (Honduras), Kokoa Kamilia (Tanzania), Rizek Cacao (Cộng hòa Dominica), Esco Kivu (CHDC Congo) và Ingemann (Nicaragua).
Thứ năm, doanh nghiệp xuất khẩu cần thích ứng với văn hóa kinh doanh của người Bắc Âu. Người mua Bắc Âu sẽ đánh giá rất cao nếu các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư vào truyền thông chuyên nghiệp, chẳng hạn như một trang web tốt, tài liệu quảng cáo của công ty, thông số sản phẩm và danh thiếp. Các phương pháp giao tiếp hiện đại (miễn phí) để giữ liên lạc với người mua của họ, ví dụ như.LinkedIn, Skype và Facebook, được biết đến rộng rãi và ngày càng được chấp nhận như các công cụ quảng cáo (bổ sung)…
Thứ sáu, chuyển đổi kỹ thuật số. Tất cả các nhà xuất khẩu ca cao được yêu cầu thu thập thông tin chi tiết về hoạt động của họ. Do đó, số hóa và các công cụ khác là rất quan trọng. Để chứng minh rằng ca cao không đến từ khu vực có nạn phá rừng, có thể phải ghi lại tọa độ địa lý của trang trại hoặc đồn điền ca cao. Một cách khác có thể làm là thông qua bản đồ đa giác GPS. Lập bản đồ đa giác GPS theo dõi toàn bộ chu vi của một trang trại, giúp tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm các chương trình hợp tác mới giúp chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp bền vững hơn. Là một phần của EGD, EU đang bắt đầu các dự án để hỗ trợ các chính sách và hành động mới của mình.
Thứ bảy, tham gia các hội chợ chuyên ngành. Tham dự các hội chợ thương mại và sự kiện về ca cao để tìm người mua phù hợp với triết lý kinh doanh và năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp về chất lượng, khối lượng và các chứng chỉ. Không có nhiều hội chợ lớn được tổ chức tại khu vực Bắc Âu, chỉ có Lễ hội socola ở Copenhagen và Lễ hội Bánh ngọt & socola được tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh các sản phẩm chất lượng cao. Các doanh nghiệp kinh doanh ca cao Bắc Âu thường tham dự các hội chợ chuyên ngành ở khu vực châu Âu để tìm kiếm nhà cung cấp.