Chiều thứ Bảy, phát biểu trước 1000 nhà tài trợ của Đảng Dân chủ tại bang Massachusetts, Phó Tổng thống Kamala Harris đã khẳng định rằng bà cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đánh bại ông Donald Trump vào cuộc bầu cử tới. Trong tiếng vỗ tay vang dội, bà tuyên bố: “Chúng ta sẽ chiến thắng. Dù điều này sẽ không hề dễ dàng, nhưng chúng ta cần niềm tin và quyết tâm hành động.”
Phó Tổng thống Kamala Harris trong một sự kiện tại bang Philadelphia. (Nguồn ảnh: Bloomberg) |
Một ngày sau, chính bà đã là người được Tổng thống Biden đặt niềm tin và giao trọng trách để kế nhiệm mình, sau khi ông tuyên bố dừng chiến dịch tái tranh cử Tổng thống. Chỉ vài giờ sau đó, bà Harris đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của mình: “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết Đảng Dân chủ và đoàn kết đất nước chúng ta để đánh bại Donald Trump. Chúng ta còn 107 ngày nữa là đến Ngày bầu cử. Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến đấu. Và cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng.”
Việc ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng đã đặt dấu chấm hết cho hàng loạt tranh cãi từ các đảng viên Dân chủ về khả năng điều hành đất nước của vị Tổng thống 81 tuổi. Nhưng quyết định này cũng có thể mở đầu cho một chương mới cho lịch sử nước Mỹ, vì nếu chiến thắng, bà Harris sẽ không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên, mà còn là tổng thống Mỹ gốc Á đầu tiên và là tổng thống da màu thứ hai sau ông Barrack Obama.
Là con gái của một người mẹ gốc Ấn Độ và một người cha gốc Jamaica, bà Harris sinh ra và lớn lên tại thành phố Oakland, bang California. Sự nghiệp chính trị của bà bắt đầu vào năm 2003, khi bà được bầu làm luật sư quận San Francisco. Bảy năm sau đó, bà được bầu giữ chức Tổng Chưởng lý bang California. Năm 2014, bà tái đắc cử vào vị trí trên và được bầu vào Thượng viện Mỹ hai năm sau đó.
Bà Kamala Harris thời còn giữ chức luật sư quận San Francisco. (Nguồn ảnh: AP) |
Năm 2020, bà Harris tuyên bố sẽ tranh cử vị trí ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Tuy vậy, bà đã phải kết thúc chiến dịch tranh cử cửa mình, sau khi chịu áp lực từ những thành viên phe cấp tiến trong nội bộ Đảng Dân chủ vì quan điểm "cứng rắn với tội phạm" của bà. Nhưng tám tháng sau đó, ông Biden đã bất ngờ chọn bà làm ứng cử viên Phó Tổng thống của mình, vì cho rằng bà là “một chiến binh dũng cảm và là một trong những quan chức giỏi nhất của đất nước”.
Sau khi giành chiến thắng, bà Harris đã có một khởi đầu khó khăn với tư cách là phó Tổng thống. Bà được giao nhiệm vụ giải quyết dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ, một trong những vấn đề "nhức nhối" nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden, và đã có vô số những phát biểu gây tranh cãi về vấn đề này. Thậm chí, có lời đồn thổi rằng ông Biden có thể cách chức Phó Tổng thống của bà để cải thiện cơ hội tái đắc cử, nhưng các quan chức Nhà Trắng nói rằng ông chưa bao giờ cân nhắc điều đó.
Nhiệm kỳ Phó Tổng thống của bà Harris được đón “làn gió ngược” sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ quyền phá thai theo hiến pháp vào năm 2022. Kể từ đó, bà Harris đã trở thành tiếng nói hàng đầu của Nhà Trắng trong việc bảo vệ quyền tự do sinh sản và tăng cường kiểm soát súng đạn, qua đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri nòng cốt của Đảng Dân chủ, đặc biệt từ nhóm cử tri phụ nữ, trẻ tuổi và da màu.
Sau khi chiến sự Israel - Hamas bắt đầu, cả ông Biden và bà Harris đều giữ nguyên quan điểm ủng hộ Israel. Nhưng trái ngược với những hành động và phát ngôn có phần gây chia rẽ của ông Biden, bà Harris đã từng phê phán hành động sử dụng vũ trang của Israel nhằm vào dân thường Palestine. Trong một bài phát biểu vào tháng 3 vừa qua, bà Harris tuyên bố: “Trước nỗi đau khổ to lớn đang bao trùm dải Gaza, chúng ta phải ra lệnh ngừng bắn ngay lập tức”.
Sự ủng hộ cho bà Harris càng lớn sau khi nhiều nhà lập pháp, nhà tài trợ và nhà hoạt động xã hội trong Đảng Dân chủ cảm thấy bất an sau khi ông Biden gặp khó khăn trong màn tranh luận vào cuối tháng 6 với cựu Tổng thống Trump. Cử tri Mỹ dường như cũng tin tưởng bà hơn, khi kết quả một số cuộc thăm dò trên toàn quốc và tại các bang chiến trường cho thấy bà đang có cơ hội chiến thắng ông Trump cao hơn so với ông Biden.
Còn nhiều thách thức đối với bà Harris
Dẫu vậy, bà Harris vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn phía trước, khi bà cần giành được đề cử Tổng thống của Đảng Dân chủ trước khi có cơ hội đối đầu ông Trump vào tháng 11 tới. Nhưng hiện tại, vị Phó Tổng thống đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các “đối thủ” trong quá khứ và tương lai, trong bối cảnh nội bộ Đảng Dân chủ đang kêu gọi đoàn kết sau những chia rẽ trong thời gian vừa qua.
Phát biểu trước báo giới, ông Josh Shapiro, Thống đốc bang Pennsylvania và một ứng cử viên tiềm năng cho chức Phó Tổng thống của bà Harris, khẳng định: “Hướng đi tốt nhất cho đảng Dân chủ bây giờ là nhanh chóng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống Harris và tái tập trung vào nhiệm vụ giành được Nhà trắng.”
Tương tự, Thống đốc bang California Gavin Newsom, một ứng cử viên tổng thống tiềm năng trong tương lai, cũng đã công khai ủng hộ bà Harris, và ca ngợi bà là một người “mạnh mẽ”, “không sợ hãi” và “kiên cường”. Ông Newsom tuyên bố: “Với nền dân chủ và tương lai của chúng ta đang bị đe dọa, chỉ có vị phó Tổng thống mới có thể chống lại tầm nhìn đen tối của ông Donald Trump và chèo lái nước Mỹ sang một giai đoạn mới”.
Ngoài ra, bà Harris cũng nhận được sự ủng hộ từ cựu Tổng thống Bill Clinton và vợ ông, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cũng như hàng chục thành viên Quốc hội và nhiều thống đốc bang khác. Quyết định này đã củng cố vị thế dẫn đầu trong cuộc đua trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ của bà Harris, nhưng điều này vẫn có thể thay đổi trong thời gian tới.
Được biết, một số đảng viên Đảng Dân chủ cấp cao, đặc biệt là cựu tổng thống Barack Obama và cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, chưa đưa ra thông báo ủng hộ bà Harris. Ngoài ra, vị Phó Tổng thống cũng có thể phải đối mặt với một số đối thủ, hoặc thậm chí là một số quy định mới từ Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, trước khi Đại hội toàn quốc của đảng này bắt đầu vào tháng tới.