Cựu Tổng thống Mỹ Obama sẽ ủng hộ bà Harris hết mình Bầu cử Mỹ 2024: Giờ là lúc bà Harris cần cho cử tri thấy một Tổng tư lệnh đáng tin cậy |
Cách đây đúng 16 năm, ông Barack Obama đã rong ruổi khắp Ohio trên chiếc xe buýt, khuấy động hàng ngàn người hâm mộ và khẳng định chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử năm 2008.
Giờ đây, trong một đêm tháng Mười khác, vị cựu Tổng thống 63 tuổi ấy lại bước lên sân khấu và nỗ lực thay bà Kamala Harris làm điều mà chính bà vẫn đang gặp khó khăn, đó là vận động để vượt qua cuộc bầu cử 2024.
Cựu Tổng thống Obama, nay với mái tóc đã bạc, không còn lựa chọn Ohio – tiểu bang từng là chiến trường quyết liệt, nhưng đã mất dần vị thế ngay sau khi ông rời Nhà Trắng. Thay vào đó, ông chuyển sự chú ý đến Pennsylvania, nơi có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử năm nay. Dù là người truyền cảm hứng và biểu tượng của sự thay đổi từ năm 2008, ông Obama vẫn giữ vững vị trí là diễn giả chính trị hàng đầu của đảng sau bốn kỳ bầu cử Tổng thống, điều này cho thấy những hạn chế của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, thông điệp khẩn thiết của ông tại Pittsburgh hé lộ một thực tế đáng lo ngại là cựu Tổng thống Donald Trump có thể đang trên đường trở lại Phòng Bầu dục.
Ông Obama khẳng định. “Chúng ta cần một câu chuyện tích cực hơn, một câu chuyện mà chúng ta cùng nhau hợp tác thay vì đối đầu. Pennsylvania, chúng ta đã sẵn sàng cho nữ Tổng thống Kamala Harris”.
Việc một cựu Tổng thống phải truyền đạt một thông điệp sắc bén mà ứng cử viên đương nhiệm đang chú trọng đã từng xảy ra vào năm 2012, khi cựu Tổng thống Bill Clinton tiếp nhận thông điệp tái tranh cử mơ hồ của ông Obama và biến nó thành lập luận thuyết phục, giúp những cử tri mệt mỏi vì khủng hoảng kinh tế tiếp tục ủng hộ ông trở lại Nhà Trắng.
Hôm thứ Năm, ông Obama vẽ nên bức chân dung gai góc về ứng cử viên ông Donald Trump như một mối đe dọa. Ông đồng thời nỗ lực thuyết phục những cử tri đang lo lắng về kinh tế hãy ủng hộ bà Harris, người vẫn là một phần của chính quyền đương nhiệm.
"Tôi là người từng mang hy vọng thay đổi, nên tôi hiểu được sự thất vọng của mọi người, cảm giác rằng chúng ta có thể làm tốt hơn", ông Obama chia sẻ. "Nhưng điều tôi không hiểu nổi là tại sao ai đó lại nghĩ rằng ông Donald Trump có thể thay đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho các bạn, Pennsylvania. Tôi thực sự không hiểu”.
Đảng Dân chủ bắt đầu lo lắng về triển vọng của bà Harris
Lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của cựu Tổng thống Obama dành cho bà Harris tại Pennsylvania – nơi có thể làm tan vỡ hy vọng tranh cử của bà, xuất hiện vào thời điểm đảng Dân chủ lo ngại về sự chững lại của bà sau giai đoạn tăng trưởng ban đầu khi tiếp quản chiến dịch từ Tổng thống Joe Biden. Điều này khiến cuộc bầu cử Tổng thống được coi là quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ, trở nên đầy bất định khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày quyết định.
Sự xuất hiện của cựu Tổng thống Obama, một khoảnh khắc trọn vẹn kể từ khi bà Harris gõ cửa từng nhà cho ông ở Iowa lạnh giá trước cuộc họp kín năm 2008, cũng có ý nghĩa cá nhân sâu sắc hơn nhiều. Hai vị Tổng thống thứ 44 và 45 đã gây ra một cuộc đấu ngầm trong hơn một thập kỷ, kể từ khi ông Trump xây dựng nền tảng cho phong trào dân túy của mình trên những tuyên bố sai sự thật rằng cựu Tổng thống Obama không sinh ra ở Hoa Kỳ.
Tổng thống thứ 44 - ngài Obama đã báo trước một liên minh Dân chủ mới, đa chủng tộc, trẻ trung và đa dạng về mặt xã hội khi ông xây dựng thương hiệu là một nhà lãnh đạo luôn tìm cách, nhất là về mặt hùng biện.
Cựu Tổng thống Obama nói ông Trump phát ngôn không đúng
Cựu Tổng thống Obama hôm 10/10 (theo giờ địa phương) đã cho rằng cựu Tổng thống Trump đã có những tuyên bố không đúng về chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã từ chối viện trợ bão cho đảng Cộng hòa.
Chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump không từ bỏ những tuyên bố đã bị nhiều viên chức cấp tiểu bang và địa phương của đảng Cộng hòa bác bỏ.
"Bạn có rất nhiều người có thể được giúp đỡ, rất nhiều mạng sống có thể được cứu, nhưng không được cứu, và có rất nhiều chi tiết cần phải tìm hiểu", Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa, cho biết hôm thứ Năm.
Một chiến lược mới nổi của bà Harris trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử
Những phát biểu của cựu Tổng thống Obama chủ yếu hướng đến các đảng viên Cộng hòa truyền thống, những người có thể không đồng tình với hành vi của ông Trump, cùng với nhóm cử tri nam giới vốn đóng vai trò quan trọng trong nền tảng ủng hộ của ông.
Trước đó, ông Obama đã nỗ lực củng cố sự ủng hộ của một nhóm cử tri truyền thống của đảng Dân chủ, những cử tri nam giới da màu. Theo phóng viên Edward-Isaac Dovere của CNN, tại một văn phòng vận động tranh cử của bà Harris, ông Obama đã đặt câu hỏi liệu sự miễn cưỡng của một số "người anh em" trong việc ủng hộ ứng cử viên Dân chủ có phải là do phân biệt giới tính hay không. Ông nói: "Bạn đang nghĩ đến việc ngồi ngoài hoặc ủng hộ một người có tiền sử hạ thấp bạn, vì bạn nghĩ đó là dấu hiệu của sức mạnh, vì đó là bản chất của một người đàn ông? Hạ thấp phụ nữ? Điều đó không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Obama chỉ có thể hỗ trợ đến một mức độ nhất định. Ông không có tên trên lá phiếu và dù sức hút của ông với đảng Dân chủ vẫn không hề giảm sút, ông là biểu tượng của quá khứ. Trước đây, tầm ảnh hưởng lớn của ông Obama cũng không phải lúc nào cũng chuyển giao thành công cho các đảng viên Dân chủ khác. Ông đã nỗ lực hết mình trong việc ủng hộ bà Hillary Clinton, nhưng bà vẫn thất bại vào năm 2016. Câu hỏi lớn hiện tại là liệu bà Harris - người đã xây dựng chiến dịch dựa trên thế hệ mới và tiểu sử cá nhân, có thể tận dụng những chỉ trích của cựu Tổng thống Obama đối với cựu Tổng thống Trump để đưa ra một lập luận mạnh mẽ và sắc sảo cho chính mình hay không.
Sự xuất hiện của cựu Tổng thống Obama diễn ra sau một tuần tăng cường chiến dịch của bà Harris, nhằm tìm kiếm và thu hút bất kỳ cử tri nào có thể đi bỏ phiếu. Phó Tổng thống đã thể hiện sự chuẩn bị tốt hơn để bước vào những tình huống không có kịch bản, từ cuộc phỏng vấn "60 Minutes", xuất hiện trên "The View" - chương trình được nhiều phụ nữ yêu thích, cho đến chuyến thăm chương trình phát thanh của Howard Stern, một trong những chương trình được nam giới Mỹ ưa chuộng. Vào hôm 10/10 (theo giờ địa phương), bà Harris đã nỗ lực đảo ngược “thế cờ" của ông Trump trong số cử tri gốc Tây Ban Nha, thuộc khối cử tri Dân chủ truyền thống, tại một hội trường thị trấn do Univision tổ chức tại Nevada, sau đó tham gia một cuộc biểu tình tại Arizona.
Đảng Dân chủ đang cố gắng thúc đẩy triển vọng của họ ở các tiểu bang dao động bằng cách cắt giảm biên độ của cựu Tổng thống Trump ở các vùng nông thôn nơi ông có lợi thế mạnh nhất. Nỗ lực này sẽ được thúc đẩy vào tuần tới khi một cựu Tổng thống khác, Bill Clinton, sẽ thay mặt bà Harris, tái hiện các sự kiện nhỏ thân mật diễn ra trước chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1992 của ông. Tổng thống thứ 42 sẽ có cơ hội triển khai mối quan hệ thân thiết với người miền Nam của mình để kết nối với cử tri nông thôn bằng các lập luận kinh tế dễ hiểu.
Tuy nhiên, những lo ngại của đảng Dân chủ về chiến dịch của bà Harris ngày càng rõ ràng. Các cuộc thăm dò toàn quốc gần đây của CNN không cho thấy một ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng, trong khi các cuộc khảo sát ở tiểu bang cho thấy sự cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, một số cuộc khảo sát trong tuần này chỉ ra rằng “Bức tường Xanh” - khối cử tri Dân chủ quan trọng tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đang có dấu hiệu lung lay.
Bà Harris dường như cũng chưa tìm được cách để tạo sự khác biệt với hình ảnh không mấy được lòng của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều cử tri đang thất vọng vì giá thực phẩm tăng cao. Trong một lần xuất hiện trên "The View", bà thừa nhận: “Không có điều gì xuất hiện trong đầu tôi về những gì tôi sẽ làm khác với Tổng thống trong bốn năm qua”.
Tuy nhiên, mặc cho những lo lắng lan rộng trong hàng ngũ đảng Dân chủ, phần lớn xuất phát từ nỗi lo về những gì ông Trump có thể thực hiện trong một nhiệm kỳ thứ hai mà ông hứa hẹn sẽ dành cho "sự trừng phạt" - cuộc đua vẫn đang diễn ra với nhiều bất ngờ khi tháng Mười đã đến gần. Một trong những lý do chính là hàng loạt sự kiện lớn, gây sốc, bao gồm quyết định rút lui của Tổng thống Biden và hai nỗ lực ám sát mà ông Trump đã sống sót, dường như không mang lại lợi thế rõ rệt cho cả hai đảng trong bối cảnh quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc. Do đó, vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu sự xuất hiện của các cựu Tổng thống hay những tác động từ các cơn bão có thể làm thay đổi cục diện vào thời điểm này hay không.
Và liệu thái độ có vẻ hờ hững của ông Trump đối với cuộc vận động trên bộ truyền thống nhằm tối đa hóa sự tham gia của cử tri có phản tác dụng không?
Ông Obama nhấn mạnh rằng, chỉ có một cách khắc phục duy nhất cho những điều vô hình như vậy.
“Cho dù cuộc bầu cử này khiến bạn cảm thấy phấn khích hay sợ hãi hay hy vọng hay thất vọng hay bất cứ điều gì ở giữa, đừng chỉ ngồi đó và hy vọng điều tốt nhất”, ông nói với đám đông ở Pittsburgh. “Hãy rời khỏi ghế và bỏ phiếu. Đặt điện thoại xuống và bỏ phiếu, hãy rủ bạn bè và gia đình đi bỏ phiếu. Hãy bỏ phiếu cho bà Kamala Harris làm Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ”.