Hai ứng cử viên và phong trào cùng các cuộc vận động của họ thể hiện hai bản sắc rất khác nhau, tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa những nhóm người ủng hộ họ.
Trong cuộc vận động ngày 9/8 tại bang Montana, ông Donald Trump từng bước lên sân khấu với bài hát “God bless America” của Lee Greenwood từ năm 1984 và được hoan nghênh bởi đám đông chủ yếu là người da trắng và lớn tuổi. Ông hứa hẹn: “Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!”.
Trong khi đó, tại cuộc vận động ngày 7/8 tại thành phố Detroit, bà Kamala Harris xuất hiện với bài hát “Freedom” của Beyoncé từ năm 2016, thu hút khán giả đa sắc tộc, nổi bật với những chiếc áo và huy hiệu màu xanh sáng nhằm tôn vinh album nhạc pop năm 2024 mang tên “Brat”. Bà tuyên bố: “Chúng ta sẽ không quay lại”.
2 ứng cử viên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 |
Hai chiến dịch tranh cử này thể hiện hai bản sắc văn hóa, thế hệ và xã hội rất khác biệt, tạo nên sự tương phản rõ rệt trong cử tri. Sự chia rẽ này càng trở nên rõ ràng hơn kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua, thay đổi hoàn toàn một cuộc tranh cử vốn chỉ có hai ứng cử viên là nam giới da trắng sinh vào thập niên 1940, từ đó cho phép một phụ nữ đa sắc tộc bước vào cuộc đua.
Hiện tại, các ứng cử viên với các cuộc vận động và phong trào của họ đang thể hiện hai mặt của nước Mỹ vốn đang bị chia rẽ bởi các vấn đề sắc tộc và sự đa văn hóa, bên cạnh đảng phái và chính sách.
Cách bà Kamala Harris tạo sự khác biệt so với cả ông Biden và ông Trump
Sự chia rẽ giữa những người ủng hộ hai ứng viên phản ánh những khác biệt lâu đời về chủng tộc, địa lý, tôn giáo, giáo dục và nhiều yếu tố khác. Cơ sở ủng hộ của Đảng Cộng hòa trong kỷ nguyên ông Trump nghiêng về những người da trắng, lao động phổ thông, nam giới, sống ở nông thôn và theo đạo Tin Lành. Trong khi đó, Đảng Dân chủ thu hút sự ủng hộ từ nhóm người có trình độ đại học, sống ở đô thị, phụ nữ, thanh niên và cử tri da màu, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi. Giờ đây, ông Trump, 78 tuổi và bà Harris, 59 tuổi, đã trở thành hiện thân rõ rệt của sự tương phản này.
Bà Harris sinh vào những năm 1960, thuộc thế hệ Gen X và chiến dịch của bà đang chú trọng đến những trò đùa và trào lưu của Gen Z.
“Bà ấy đang tạo sự khác biệt so với cả ông Biden và ông Trump”, Sally Friedman, giáo sư tại Đại học Albany, người đã viết về sự khác biệt thế hệ trong chính trị gia cho biết.
Kimberley Colbaugh, 64 tuổi, một người ủng hộ bà Harris, người đã tham dự cuộc vận động của bà ở Las Vegas gần đây khẳng định: “Phụ nữ sẽ không trở lại làm những người phụ thuộc”. Bà cũng nhấn mạnh thông điệp “không quay lại” của bà Harris: “Chúng tôi không muốn quay lại nhà bếp và sống cuộc đời phục tùng. Tôi đã trải qua điều đó hồi những năm 1970”.
Những người ủng hộ bà Harris đã đến cuộc vận động lớn đầu tiên của bà ở Atlanta vào tháng trước với những biểu ngữ như: “Kamala Harris là chị em hội nữ sinh của tôi”, được in bằng màu sắc của các hội nữ sinh và hội nam sinh da đen lâu đời, được gọi là “Divine Nine”. Họ mặc những trang phục với màu sắc của văn hoá người da màu, áo hoodie đại diện cho các trường cao đẳng da đen lâu đời, và các vật phẩm liên quan đến bà Harris, chẳng hạn như áo phông ghi dòng chữ: “Mẹ tôi bỏ phiếu cho Kamala”.
Một số người còn vẫy những khẩu hiệu như: "Georgia yêu Kamala", được sáng tạo từ trò đùa về cây dừa của bà Harris mà ban đầu khiến nhiều người bối rối nhưng sau đó lại thích thú. Những chiếc áo màu xanh lá và huy hiệu mang tên bà Harris được thiết kế theo phong cách mờ nhòe của “Brat”.
Tại Atlanta, sự phấn khích của đám đông lên đến đỉnh điểm khi rapper Megan Thee Stallion bước lên sân khấu. Một biểu ngữ được giăng lên: “Hotties for Harris”. Nữ rapper nhấn mạnh tiềm năng đột phá của bà Harris: “Chúng ta sắp tạo nên lịch sử với nữ tổng thống đầu tiên. Nữ tổng thống da đen đầu tiên”.
Những gợi nhắc đến một liên minh trẻ trung hơn tiếp tục xuất hiện tại các cuộc vận động chung của bà Harris vào tuần trước với ứng cử viên liên danh Tim Walz. Người hâm mộ vây quanh một KOL nổi tiếng có tên Jack Schlossberg - cháu trai của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người nổi tiếng với sự hiện diện trên mạng xã hội và họ cũng náo nức trên mạng về sự xuất hiện của diễn viên hài Ziwe. Tất cả những KOL này đều có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ và họ đang dùng tầm ảnh hưởng của mình để hướng sự ủng hộ của họ đến bà Harris.
Một số cử tri ủng hộ bà Harris cũng nhận thức rõ về sự chia rẽ giữa những người ủng hộ bà và ông Trump và họ rất cố gắng chống lại sự chia rẽ đó. Họ đã nghĩ ra những cách thức rất kì quặc như việc hai người đàn ông mặc áo phông có dòng chữ: “NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG DA TRẮNG LỚN TUỔI ỦNG HỘ HARRIS VÀ TỰ DO”. Tuy nhiên, có vẻ việc này không gây được quá nhiều tiếng vang lớn.
“Chúa, súng và ông Trump”: Khẩu hiệu nói lên sự khác biệt
Những người ủng hộ Đảng Cộng hòa trong kỷ nguyên ông Trump thường là những người da trắng, lao động phổ thông, nam giới, sống ở nông thôn và theo đạo Tin Lành. Họ thường xếp hàng từ rất sớm cho các sự kiện của ông, mặc những chiếc áo thun với khẩu hiệu như: “Chúa, Súng và Trump” và “Chúa là Đấng Cứu Thế của tôi, ông Trump là Tổng thống của tôi”. Một số người thậm chí còn cắm trại suốt cả ngày với ghế xếp, tham gia các nghi thức yêu nước và nghe những lời cảnh báo nghiêm trọng về tương lai của đất nước nếu ông Trump không được bầu. Lễ cầu nguyện theo đạo Cơ Đốc luôn có mặt trong chương trình.
Bốn ngày sau sự kiện của bà Harris ở Atlanta, ông Trump tổ chức cuộc vận động tại cùng địa điểm đó. Mục sư Jentezen Franklin, một trong những đồng minh nhiệt thành của ông Trump trong cộng đồng Tin Lành đã dẫn dắt buổi cầu nguyện. Đám đông đứng dậy và nhiều người cởi bỏ chiếc mũ đỏ có dòng chữ: “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Ông Trump đã hứa nếu ông thắng cử vào tháng 11 rằng: “Chúng ta sẽ không còn người nhập cư bất hợp pháp vượt qua biên giới. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng nước Mỹ đứng vững. Câu nói ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ sẽ luôn là kim chỉ nam. Và chúng ta sẽ đảm bảo rằng đất nước của chúng ta đi đúng hướng. Một con đường kính sợ Chúa”.
Đêm kết thúc với đoạn trích kéo dài thường thấy của ông Trump về khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông, ông nói rằng: “Chúng ta là một phong trào, một dân tộc, một gia đình và một quốc gia huy hoàng dưới Chúa và cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ mạnh mẽ trở lại. Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ giàu có trở lại! Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ mạnh mẽ trở lại, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào trở lại…”
Trong các cuộc phỏng vấn tại các cuộc vận động, những người ủng hộ ông Trump cho biết lối sống của họ đang bị đe dọa. Họ lo lắng về những người nhập cư bất hợp pháp đang tràn vào cộng đồng của họ. Họ lo ngại về việc “nhồi nhét tư tưởng lệch lạc” trong trường học và việc trẻ em học cách nhận biết giới tính của mình có thể là người chuyển giới. Họ cho rằng đất nước đang ngày càng chia rẽ về mặt chủng tộc và đôi khi lập luận rằng sự phân biệt chủng tộc đã gia tăng trong những năm gần đây đã chống lại người da trắng.
Tại một cuộc vận động ở St. Cloud, Minn., James Moore cho biết, đất nước đang lệch khỏi những giá trị Cơ Đốc giáo. “Chúa Giêsu, đó là nền tảng ban đầu mà đất nước chúng ta được xây dựng”, ông nói.
“Chúng ta cần mang đạo đức trở lại đất nước này”, Nancy Vergin, 79 tuổi cho rằng: “Mọi thứ thật tệ. Tôi tin vào hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Tôi không chấp nhận những người đồng tính nữ và những thứ khác tương tự”. (Cương lĩnh chính thức của Đảng Cộng hòa được thông qua tại đại hội đề cử Trump không đưa ra quan điểm về hôn nhân đồng giới, khác với sự phản đối trước đó).
Một số người ủng hộ ông Trump ít quan tâm đến tôn giáo hay các vấn đề xã hội hơn, bởi ông Trump không phải là hình mẫu hoàn hảo của một người bảo thủ nhưng đều có chung cảm giác rằng điều gì đó trong đất nước đã sai lệch một cách nghiêm trọng.
“Bà ấy đã hủy hoại đất nước chúng ta”, ông Trump nói về bà Harris tại Atlanta và khẳng định: “Chúng ta sẽ đưa nó trở lại”.