Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump hay bà Harris sẽ chiếm ưu thế từ cử tri gốc La-tinh? Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris đối mặt với 'khủng hoảng' nội địa và quốc tế |
Theo CNN, cựu Tổng thống Donald Trump đáng lẽ phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này vì có rất ít người nghĩ rằng chính quyền Biden-Harris đang đi đúng hướng.
Thay vào đó, ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang bám đuổi nhau trong các cuộc thăm dò. Hiện tại, không rõ liệu bà Harris có thể tiếp tục giành được chiến thắng hay không bởi nhiều cử tri đang không đồng tình với quan điểm và đường hướng phát triển đất nước của chính quyền Biden-Harris. Điều rõ ràng là bà Harris sẽ cần phải đối mặt với một số nguyên tắc cơ bản nếu bà muốn giành chiến thắng vào tháng tới và lịch sử gần đây cho thấy bà có cơ hội.
Một số ít người Mỹ trong lịch sử đã nói rằng đất nước đang đi đúng hướng nhờ sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Biden, nhưng thường thì không tệ như những con số hiện tại. Chỉ có khoảng 28% người Mỹ tin rằng chính quyền Biden-Harris giúp đất nước phát triển hơn trong những ngày này, theo cuộc thăm dò mới nhất của NBC News. Con số này thấp hơn nhiều so với thời điểm ông Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, khi tỷ lệ phần trăm đó cao hơn nhiều so với 40%.
Khi xem xét kỹ hơn các số liệu thống kê, ta thấy không có một trường hợp nào đảng cầm quyền giành thêm nhiệm kỳ nữa khi có chưa đến 39% số người nói rằng chính quyền Biden-Harris đang đưa đất nước đi đúng hướng.
Chúng ta thấy một điều tương tự cũng gây phiền hà cho bà Harris về một điều cơ bản khác: Tỷ lệ chấp thuận của Tổng thống. Tỷ lệ chấp thuận của Tổng thống rõ ràng là ít mang tính dự đoán hơn khi người đương nhiệm không tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, nó vẫn có một số tầm quan trọng nhất định .
Đảng của Tổng thống đương nhiệm chưa bao giờ giành chiến thắng khi Tổng thống có tỷ lệ không tán thành cao hơn tỷ lệ tán thành. Tỷ lệ không ủng hộ Tổng thống Biden hiện tại cao hơn khoảng 10 điểm so với tỷ lệ ủng hộ. Đây chỉ là hai chỉ số cho thấy dư luận không mấy lạc quan về cơ hội của bà Harris vào tháng 11.
Theo một cuộc khảo sát của Gallup đã liệt kê 10 số liệu khác nhau mà họ xem xét trước thềm cuộc bầu cử, từ nhận dạng đảng phái đến sự hài lòng với nền kinh tế cho đến sự chấp thuận của Tổng thống. Tám trong số 10 số liệu đó được coi là tốt cho ông Trump. Hai số liệu còn lại là trung lập. Không có số liệu nào trong số 10 số liệu ám chỉ đến chiến thắng của bà Harris.
Bà Harris có “át chủ bài” gây bất ngờ
Bất chấp những nguyên tắc cơ bản này hướng đến ông Trump, bà Harris vẫn có thể có một quân át chủ bài: Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Nhìn lại hai năm trước, tỷ lệ chấp thuận của ông Biden về cơ bản cũng tệ như bây giờ. Chỉ có 26% người Mỹ, trong các cuộc thăm dò nói rằng chúng ta đang đi đúng hướng với tư cách là một quốc gia. Con số 26% đó là con số thấp nhất khi bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ trong 40 năm trước.
Tóm lại, hầu như không có số liệu nào vào năm 2022 có lợi cho Đảng Dân chủ hơn hiện tại. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã bất chấp xu hướng giữa kỳ, giữ mức thua lỗ tại Hạ viện ở mức một chữ số, mở rộng thế đa số tại Thượng viện và giành được ghế thống đốc.
Ông Trump vẫn có tỷ lệ đánh giá không thuận lợi ròng với cử tri Mỹ. Nếu ông thắng cử Tổng thống vào tháng tới, ông sẽ là ứng cử viên ít được ưa chuộng nhất, ngoại trừ chính ông Trump vào năm 2016. Hiện tại, bà Harris được ưa chuộng hơn cựu Tổng thống trong hầu hết các cuộc khảo sát.
Vấn đề phá thai tiếp tục được xếp hạng gần đầu trong tất cả các vấn đề và các biện pháp mở rộng quyền tiếp cận phá thai đang được bỏ phiếu tại một số tiểu bang vào mùa thu năm nay. Hãy nhớ rằng, mọi cuộc bầu cử Tổng thống trong 50 năm qua đều diễn ra khi Roe là luật của đất nước. Thật khó để nói điều gì có thể xảy ra với rất nhiều cử tri tức giận về việc mất đi sự bảo vệ của liên bang đối với phá thai.
Điểm mấu chốt là có những điều đúng trong suốt 44 năm bầu cử Tổng thống giờ đây lại mâu thuẫn với những gì chúng ta đã học được vào năm 2022, và đó là điều khiến cuộc bầu cử này trở nên thú vị.
Người ta thường nói quá khứ thường là lời mở đầu, nhưng đôi khi lịch sử không có nghĩa là phải lặp lại.
Cuộc đua “nghẹt thở” trong những tuần cuối
Cựu Tổng thống Donald Trump hôm qua kêu gọi những người ủng hộ tại bang chiến trường Wisconsin hãy ra ngoài và bỏ phiếu. Trong khi đó, bà Kamala Harris cũng bước vào chiến dịch “phủ sóng truyền thông” kéo dài một tuần tập trung vào vấn đề quyền sinh sản. Bà Kamala Harris đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích khi tránh trả lời phỏng vấn riêng với giới truyền thông kể từ khi trở thành ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ.
Tại Wisconsin, ông Donald Trump hôm qua chỉ trích mạnh mẽ điều này. Ông nhắc lại cáo buộc trước đó đã bị Nhà trắng phản bác rằng, chính quyền Biden - Harris sử dụng sai quỹ cứu trợ bão cho các chương trình dành cho người di cư.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng thua tại Wisconsin vào năm 2020 và đây là chuyến đi thứ 4 của ông tới bang chiến trường này chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua. Bà Kamala Harris hồi tuần trước cũng có một cuộc mít tinh tại Wisconsin, cụ thể là Ripon - vốn được coi là nơi khai sinh ra đảng Cộng hoà. Ngày 5/10, bà Kamala Harris đã tới Bắc Carolina, gặp gỡ các nhân viên cứu trợ và người dân ở một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Helene. Trong khi đó, đối thủ đảng Cộng hoà cũng có màn xuất hiện ấn tượng sau lớp kính chống đạn tại Butler, Pennsylvania, nơi ông đã thoát chết trong một vụ ám sát hồi tháng 7.
Đánh giá về lợi thế của các ứng cử viên cho tới thời điểm này, chuyên gia Darrell M.West tại Viện Brookings cho biết: "Một trong những vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử này có lợi cho đảng Cộng hòa là chính sách nhập cư. Mọi người lo lắng về biên giới. Họ nghĩ rằng có quá nhiều người không có giấy tờ đang vượt biên, sử dụng nguồn lực của nước Mỹ. Họ không thích điều này và đây là một điểm cộng lớn cho cựu Tổng thống Donald Trump. Về phía đảng Dân chủ, vấn đề phá thai và quyền sinh sản nói chung là một lợi thế lớn. Phần lớn người Mỹ đứng về phía bà Kamala Harris trong vấn đề cụ thể đó. Vì vậy, chúng ta đang ở trong một tình huống mà quyền nhập cư và quyền sinh sản là những vấn đề rất quan trọng đối với cử tri, nhưng lại quyết định cuộc bầu cử theo những cách rất khác nhau khi một thì có lợi cho đảng Cộng hoà và một cho đảng Dân chủ”.
Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày bầu cử, khép lại một cuộc đua vào Nhà Trắng đầy biến động, với một ứng viên hai lần bị ám sát “hụt” và sự trỗi dậy của nữ ứng viên Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hoà đang bám đuổi sát nút, dẫn tới một trong những cuộc tranh giành tốn kém và căng thẳng nhất trong lịch sử nước Mỹ để “giành giật” từng cử tri còn do dự ở 7 bang quan trọng có khả năng quyết định kết quả ngày 5/11.
Hơn 1,4 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm tại 30 bang và Arizona, một trong 7 bang chiến trường cũng bắt đầu bỏ phiếu sớm vào ngày 09/10 tới. Lịch sử cho thấy, tháng 10 luôn ẩn chứa những bất ngờ. Dư luận nước Mỹ và thế giới đều đang chờ đợi các ứng cử viên tung “đòn quyết định”.
Ông Trump trở lại nơi bị ám sát hụt, tuyên bố ''không bỏ cuộc''
Ngày 5/10, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở lại bang Pennsylvania để vận động tranh cử sau khi bị ám sát hụt tại đây khoảng 3 tháng trước. Đồng hành cùng ông Trump lần này có tỷ phú Elon Musk.
Phát biểu sau tấm kính chắn đạn tại thành phố Butler, nơi ông từng bị ám sát hụt hồi cuối tháng 7, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa nói: "Đúng 12 tuần trước, ngay tại nơi này, một sát thủ máu lạnh đã có ý định khiến tôi phải im lặng mãi mãi". Tuy nhiên, ông khẳng định "sẽ không bao giờ bỏ cuộc, khuất phục hay gục ngã".
Ông Trump trở lại Butler đúng 1 tháng trước ngày dự kiến diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11. An ninh đã được thắt chặt đáng kể so với hồi tháng 7. Các đội bắn tỉa được bố trí tại một số tòa nhà xung quanh, trong khi các thiết bị bay không người lái cũng được triển khai để giám sát.
Trong vụ ám sát hồi tháng 7, hình ảnh cựu Tổng thống Trump với gương mặt đẫm máu, giơ nắm đấm và hô lớn "chiến đấu" đã trở thành biểu tượng của chiến dịch tranh cử tiếp theo. Tại buổi vận động tranh cử ở Butler ngày 5/10, nhiều người ủng hộ ông Trump cũng đã mặc áo in hình biểu tượng này. Một số người còn đeo mảnh che tai, gợi nhớ đến miếng băng y tế mà cựu Tổng thống đã dùng sau vụ ám sát.