Thứ ba 13/05/2025 00:56

Bất an vì hàng trăm điểm sạt lở ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An

Thời gian qua, tình trạng hàng trăm điểm sạt lở tại tỉnh Nghệ An liên tục xuất hiện, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân các huyện miền núi.

Sống trong lo lắng

Hiện tỉnh Nghệ An có hàng trăm điểm sạt lở, đặc biệt là trên các sông, suối, đường giao thông...gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân các huyện miền núi cao.

Mới đây, ngày 25/7 mưa lớn gây sạt lở, cắt đứt tuyến đường độc đạo nối từ tỉnh lộ 543 vào bản Phia Khoáng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bị cô lập. Ông Moong Văn Chăn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bảo Nam, Huyện Kỳ Sơn thông tin cả 20m đường bê tông bị cắt đứt hoàn toàn, nền đường bị kéo sập xuống phía ta tuy âm, tạo thành hố sâu nguy hiểm. Đây là con đường độc đạo vào bản Phia Khoáng, vì vậy bản này bị cô lập, chia cắt với bên ngoài.

Mưa lớn xảy ra trong vài ngày 24-25/7 vừa qua, đã khiến tuyến đường nối từ tỉnh lộ 543 vào bản Phia Khoáng của xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn bị cắt đứt do sạt lở.

Ông Moong Văn Chăn cũng cho biết “do lượng đất đá của nền đường bị sạt lở lớn và sâu nên việc khắc phục sẽ mất khá nhiều thời gian…”. Hay trước đó, ngày 23/7, một vụ sạt lở xảy ra trên quốc lộ 16, đoạn qua xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cũng khiến giao thông bị ách tắc.

Tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, ngay khu vực đầu bản Bủng Xát có 17 hộ dân đang nằm trong vùng sạt lởnúi, nguy cơ mất an toàn cao. Đây là điểm sạt lở núi đã được báo Công Thương phản ánh về tình trạng này vào năm 2021, nhưng đến thời điểm này thực trạng này vẫn chưa thể giải quyết.

Theo bà Lộc Thị Diện ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, thời điểm cuối tháng 10/2020, tại khu vực bản Bủng Xát, bất ngờ xuất hiện vết rạn nứt lớn trên núi sau nhiều ngày mưa lớn, từ đó đến nay người dân ở đây vẫn phải sống bất an dưới chân núi. Cũng theo bà Diện Các vết nứt quanh núi cách đây mấy tháng đã được huyện cho xử lý lấp lại, nhưng những hòn đá tảng lớn treo trên sườn núi vẫn còn nhiều, có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Về lâu dài chúng tôi cần di dời tái định cư đến nơi an toàn…”. Lo lắng về sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, một số hộ gia đình ở bản Bủng Xát đã tìm đất, dựng nhà ở các địa điểm khác.

Ở Bủng Xát có nhiều hộ nằm trong diện nguy hiểm đã không chờ đợi được thêm, phải tự tìm đất để di dời.

Về vấn đề này, ông Kha Văn Thương - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Châu Khê, huyện Con Cuông cho biết: Về lâu dài, 17 hộ dân bản Bủng Xát rất muốn được di dời tái định cư để đến nơi an toàn, bởi họ đều sinh sống quanh núi hiểm trở, địa chất bất ổn.

Trước thực trạng sạt lở, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cho phép huyện Con Cuông lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai sạt lở đất tại bản Bủng Xát với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay chưa thể thực hiện được phương án xây dựng di dân 17 hộ khẩn cấp vùng sạt lở. Vào thời điểm tháng 10/2021, huyện đã tiến hành khắc phục sự cố trên bằng cách dùng máy móc để san gạt lấp các vết nứt trên núi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án tạm thời.

Di dời dân ra khỏi điểm sạt lở

Tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương miền núi của tỉnh Nghệ An. Theo thống kê, từ Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, hiện địa phương này có 240 điểm cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét ở 25 xã thuộc 6 huyện miền núi như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp với 2.124 hộ (12.387 người).

Tại các vùng nguy cơ lũ quét, hiện có khoảng 2.575 hộ, trên 15.000 người bị ảnh hưởng cần phải sơ tán khi xảy ra sự cố. Trong số này, hiện còn 244 hộ dân ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương… cần phải bố trí khẩn cấp đến nơi ở mới để tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Còn ở huyện miền núi Kỳ Sơn, cũng có trên 30 điểm sạt lở núi và trên 20 điểm xảy ra nguy cơ lũ quét, lũ ống, có khoảng gần 500 hộ ảnh hưởng vùng lũ quét, lũ ống thuộc các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý…

Tại bản Can xã Tam Thái huyện Tương Dương, gia đình bà Vi Thị Loan bị hàng ngàn khối đất đá đổ xuống làm sập căn nhà vào khoảng 3h sáng ngày18/10/2021.

Hay tại huyện miền núi Tương Dương có địa hình phức tạp, sông núi xẻ dọc, cắt ngang, đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề. Tại xã Yên Hòa, có 12 bản, trong đó có bản Xiềng Líp và bản Hào trên 320 hộ dân, đều nằm ở sát các dòng khe Chà Hạ, khe Líp. Vào mùa mưa, nguy cơ lũ quét đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân là rất lớn.

Tình trạng lũ ống, lũ quét, còn xẩy ra nguy cơ sạt lở đất, có trên 10 điểm thuộc bản Lả, Minh Phương, Xốp Mạt và bản Côi, xã Lượng Minh nằm dọc tuyến đường từ Cửa Rào - Thuỷ điện bản Vẽ. Khu vực các bản Phá Kháo, xã Mai Sơn, các hộ dân nằm ven hồ thủy điện Khe Bố, thủy điện Nậm Nơn; các khu tái định cư có địa hình dốc và mái taluy cao...

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Địa bàn huyện hiện có trên 30 điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét, tập trung ở chủ yếu ở các xã Yên Na, Yên Hoà, Nga My, Lượng Minh, Tam Hợp…

Trước mỗi mùa mưa bão - ông Lô Khăm Kha cho biết huyện chỉ đạo các xã thành lập tổ xung kích tại địa bàn luôn túc trực, ứng phó nhằm kịp thời di dời các hộ dân đang sinh sống ven sông, suối, sườn núi, nơi có khả năng sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng mưa lớn là nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ quét, sạt lở đất. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là trên các sông, suối gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, khu dân cư, công trình giao thông, đe dọa tính mạng của người dân...

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Để giảm thiểu nguy cơ do lũ ống, lũ quét gây ra. Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực, từng bước bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với sinh kế các khu vực có nguy cơ lũ quét. Đặc biệt, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng, bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng lũ quét của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...

Nghệ An từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư. Phối hợp với nước bạn Lào để nắm bắt tình hình nước từ thượng nguồn đổ về, từ đó có phương án phòng tránh lũ quét ở các huyện giáp biên giới.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Nghệ An đang còn 9 dự án di dời khẩn cấp đang còn thi công dang dở, tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Con Cuông… Nguyên nhân các dự án trên còn chậm là do chính việc bố trí vốn cho các dự án chậm, dàn trải, mang tính nhỏ giọt và chủ yếu là nguồn vốn Trung ương, còn nguồn ngân sách địa phương đối ứng còn rất hạn chế.

Để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản cho nhân dân, đối với các công trình dự án di dân tái định cư khẩn cấp, các ngành liên quan cần có giải pháp triệt để hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho nhân dân, nhất là trước mùa mưa bão sắp tới.

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Hải quan Khu vực II 'bóc trần' thủ đoạn vận chuyển ma tuý

Đà Nẵng: Khen thưởng tập thể, cá nhân đổi mới sáng tạo

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh

5 tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ xã, phường mới tại Thanh Hóa

EVNHCMC điều chỉnh ngừng cấp điện khi chưa thanh toán tiền điện

Bắc Ninh: Thu hút đầu tư 7 dự án FDI quy mô lớn

Hải Phòng: Tự hào thành phố công nghiệp, cảng biển, thương mại

Chùm ảnh: Tổng duyệt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng

Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có cơ sở 2 tại tỉnh Kon Tum sau sáp nhập

Hải Phòng: Khối diễu hành đặc biệt trong lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng

Hình ảnh khối 'ký ức hào hùng' tại lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng

Tiền Giang: Đề xuất chủ trương đầu tư 4 cụm công nghiệp

Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói gì về Nghị quyết 68?

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị hoàn thành kết luận của Thanh tra Chính phủ trong tháng 6

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm xóa nhà tạm

Hải Phòng: Hàng nghìn người tham gia duyệt đội ngũ diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng

Phấn đấu hoàn thành hợp nhất các đơn vị hành chính Hưng Yên và Thái Bình trước 15/7

Ngành chế biến chế tạo Đắk Nông: Động lực tăng trưởng kinh tế

Ẩm thực Hải Phòng: Hòa quyện bản sắc và giao thoa văn hóa

Hải Phòng: Ấm lòng ‘Bữa cơm đoàn kết’ mừng 70 năm giải phóng