Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng |
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng” do Báo Công Thương tổ chức ngày 15/3 tại Hà Nội.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu quả, kinh nghiệm các nước cho thấy, cần có sự tham gia của nhiều thiết chế như: Cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống tòa án, các cơ quan truyền thông,… trong đó, tổ chức xã hội có vai trò rất quan trọng. Lý giải về ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng các tổ chức xã hội là các thiết chế dân sự, rất gần gũi với người tiêu dùng và có thể bảo vệ người tiêu dùng bằng các cơ chế phù hợp, hiệu quả.
Khách mời tham dự toạ đàm về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Báo Công Thương tổ chức |
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh nêu dẫn chứng: Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và nhiều nước trên thế giới đều có quy định về hoạt động của tổ chức xã hội. Trong đó, phổ biến là các hội bảo vệ người tiêu dùng. “Các hội bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức xã hội hoạt động phi lợi nhuận và không có mục tiêu chính trị. Các hội không được tiến hành các hoạt động quảng bá thương mại cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh” - bà Vân Anh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ở các nước này, các hội có trách nhiệm quan trọng trong việc giám sát hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; có trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng, điều tra và hòa giải những khiếu nại đó, công bố công khai những hành vi sai trái gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
“Ở một số nước, ví dụ như Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ công nhận có 10 tổ chức xà hội đủ tư cách sử dụng quyền yêu cầu lệnh cấm khi phát hiện ra các hành vi bất hợp pháp của người kinh doanh vi phạm pháp luật về người tiêu dùng nhằm đình chỉ hoặc ngăn chặn các hành vi này để bảo vệ lợi ích của toàn thể người tiêu dùng…” - PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh nói.
Đặc biệt, ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada để thực hiện những nhiệm vụ trên, kinh phí hoạt động của các hội được đảm bảo một phần bởi ngân sách nhà nước.
Cần cơ chế phối hợp thống nhất từ trung ương đến địa phương
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dưới góc độ nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng: Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và quy định về hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng nói riêng cần được quy định rõ ràng và thống nhất. “Để các tổ chức này có thể thực sự bảo vệ người tiêu dùng có hiệu quả cần hoàn thiện một cách đồng bộ,thống nhất các quy định của pháp luật” - PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần sự tham gia của nhiều thiết chế |
Bên cạnh đó, xây dựng một cơ chế hỗ trợ và phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả và thống nhất từ trung ương tới địa phương giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và các hội bảo vệ người tiêu dùng.
Việt Nam có thể học kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc mở rộng các hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng như: Các hội có đủ điều kiện có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, nhà nước cần có cơ chế hữu hiệu hơn trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực để hội hoạt động có hiệu quả. “Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng cần đổi mới phương thức hoạt động, thật sự là địa chỉ tin cậy mà người tiêu dùng tìm đến khi cần hỗ trợ” - PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh nói.